Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News
[ NICD-HOME ]

Back



Cần phải sống với một tinh thần mới, một tinh thần rộng mở để bước vào thế giới đồng thời đừng quên định vị bản thân

ADLT

Tôi nhớ đến một ngày hè xa xôi, cũng tại khu vườn xanh mát này, các tài liệu cảnh báo từng hơn một lần được trình chiếu. Đó là hiện tượng nhiệt độ trái đất nóng dần lên, sự tan chảy của những khối băng khổng lồ, mực nước biển dâng cao, các trận lụt lịch sử ở nơi chẳng ai có thể ngờ tới và bộ mặt hung hãn của những trận thiên tai trên toàn cầu làm hàng chục nghìn người thiệt mạng. Thật khó tin vì sau cuộc gặp ngày 7/3/2011 ít hôm, tất cả chúng tôi bàng hoàng đón nhận tin động đất sóng thần khiếp đảm giáng xuống Nhật Bản, tâm chấn là Sendai. Chiều ngày 11/3 ấy, chỉ loáng một cái, 27.000 người thiệt mạng, mất tích. Tôi xót lòng thấm thía sự bé nhỏ của con người trước thiên nhiên.

Tốt nghiệp và đi làm được 5 năm, một khoảng thời gian chưa đủ dài, cũng không hẳn là quá ngắn. Những chuyến đi, các cuộc gặp gỡ xuất phát từ công việc nhiều vô kể, tôi có lẽ chẳng tài nào nhớ hết. Thế nhưng, ánh hào quang mà tôi không thể nào quên từ nghề nghiệp của mình là những bài học mới mẻ, dài vô tận và có sức ám ảnh không ngôn từ nào diễn đạt nổi. Một trong số đó là cuộc hội ngộ tại Vườn ươm giấc mơ Minh Trân và người đã dày công tạo dựng nó: Thầy Nguyễn Trí Dũng.

Từ Minh Trân, tôi đã được mở mắt, được tái tạo. Từ Minh Trân, tôi bắt đầu chuyến hành trình tái cấu trúc lại toàn bộ tư duy, khát vọng của mình. Cũng từ Minh Trân, tôi thấy trái tim mình rộng mở, tâm trí mình sáng suốt và có vẻ như dù tôi vô cùng nhỏ bé nhưng lại mạnh mẽ hơn trước đây rất nhiều. Đến Minh Trân, mọi thứ bụi trần rũ sạch, nhìn nắng lung linh, nghe chim hót ríu rít, cây xanh ôm ấp tâm hồn mình, hoa tươi hồn nhiên hàm tiếu. Đến Minh Trân, tiêu xài vài giờ đồng hồ ngắn ngủi để nhận về bài học sống động về hiện thực, về cuộc đời thật trị giá trăm năm thậm chí là mãi mãi. Đó có lẽ là lý do tôi chưa bao giờ nén nổi ham muốn được ghé thăm và ném mình vào một góc của khu vườn này. Nhưng trên hết, vì ở đó có Thầy, một người dẫn dắt, nhóm lửa, một người anh, người cha và hơn hết là một người bạn lớn mà vòng quay may rủi, bất tận của cuộc đời vô tình cho tôi cơ hội được gặp gỡ.

Tôi nhớ đêm trước của ngày thứ sáu 5/3/2011, tôi đã thức khuya nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bài vở của ngày thứ năm, chỉ để được thỏa lòng háo hức đến Minh Trân, ngồi một góc nghe và nhìn Tiến sĩ Vật Lý, bà Cécile Dewitt Morette nói chuyện. Hôm ấy, tôi nhận lấy một cú sốc nặng, không phải vì Morette là nhà khoa học có sự nghiệp nghiên cứu xuất chúng. Hơn hết thảy, tôi sốc vì được gặp một nhà khoa học bằng xương bằng thịt ở cái tuổi xấp xỉ 90 nhưng sống động, năng lượng tràn trề như thanh niên.

Bà Morette đã nói với chúng tôi nhiều thứ: Vật lý, Lượng Tử học, Toán học, khoa học nói chung và thậm chí là một ít quan điểm của bà về tôn giáo dưới cái nhìn biện chứng. Thế nhưng, những thứ mà tôi hiểu đơn giản chỉ là, không có gì đủ cho khoa học, phải thoát ra khỏi cái hộp chật chội, mang một tâm hồn rộng mở vào thế giới và luôn sẵng sàng cho mọi kế hoạch của đời mình. Nguồn năng lượng mà bà Morette có chỉ có thể tóm tắt bằng cụm từ Tình yêu chân chính và trong sáng nhất. Bà đã mang thứ tình yêu ấy hiến cho khoa học. Có lẽ, sức mạnh của bà nằm ở chỗ đó. Nếu như ai cũng cống hiến bằng tinh thần như bà Morette đã làm thì cuộc sống này sẽ tuyệt biết bao. Tôi đứng ở một góc phòng nhìn bà với cặp mắt thán phục xen lẫn ngưỡng mộ. Lúc ấy, tôi đã nghĩ liệu mai này mình có cái ngày 89 tuổi như thế hay không? Và liệu từ lúc này, những người trẻ như tôi bám đuổi cái đích đến vô tận của bà Morette thì có kịp không? Rồi tôi hiểu ra, bức thông điệp của bà không phải là đích đến mà là quá trình, là từng chặng đường bà đã nỗ lực làm việc.

Cũng trong buổi sáng hôm ấy, chúng tôi được nghe Nicolette K. Dewitt, Luật sư Ngân hàng Thế giới, con gái của bà Cécile Dewitt Morette tâm sự rất chân thành. Dewitt dành phần lớn thời gian trò chuyện để nói về những bài học mà cô đã tìm thấy từ chính gia đình mình. Về lý do tại sao cô trở thành luật sư chứ không phải là nhà khoa học. Về câu chuyện của bà mẹ, sinh ra và lớn lên trong thời buổi loạn lạc nhưng vẫn giữ vững tình yêu khoa học dù cuộc sống có nhiều lúc khó khăn; giữ vững lập trường dù từng bị gia đình ngăn cản hôn nhân; mạnh mẽ chọn con đường riêng đến nước Mỹ; luôn ý thức trách nhiệm cao độ với lời hứa trở về nước Pháp và kiên trì thành lập một trường dạy nghiên cứu khoa học. Bức thông điệp đanh thép nhất mà cô Dewitt gửi đi là “Nerver says you can’t do”. Tôi đã bám lấy câu nói ấy như một thứ bùa phép, như thể đó chính là mảnh ván còn sót lại của chiếc tàu bị vỡ giữa biển khơi. Tôi đã cười tinh nghịch với chính mình rằng đừng bao giờ nói ta không thể làm.

Cách hành xử của cô con gái và bà mẹ phương Tây gieo vào lòng tôi nhiều suy tư. Họ yêu nhau đấy nhưng không có sự lệ thuộc. Dewitt thể hiện rõ rằng yêu bố mẹ mình nhưng phải có con đường mới của riêng mình. Mẹ con bà Morette độc lập và tự chủ trong từng suy nghĩ, từng quan điểm. Họ làm tôi nhớ đến quan niệm Á Đông (trong đó có Việt Nam), rằng áo mặc sao qua khỏi đầu, rằng con cái dưới quyền cha mẹ… mà buồn. Chân lý chính là, mỗi người phải đi con đường riêng và tự chịu trách nhiệm, chẳng ai có thể sống thay ai cả, dù cho đó là bố mẹ, anh em của mình.

Một buổi sáng 7/3/2011 cũng ở Minh Trân, chúng tôi được thức tỉnh bằng cụm từ Quản trị tương lai. Tôi thấy nhức nhối với những thống kê về biến động tiền tệ, diễn biến tỷ giá đồng USD, biểu đồ tăng giá vàng trong vòng 80 năm qua và tình trạng báo động về biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong 30 phút ngắn ngủi lắng nghe, tất cả chúng tôi nhận về bài học của nhiều thế hệ, có vị chát đắng bên cạnh những tiếng thở dài bất tận.

Tôi lục tìm trong tâm trí mình nhiều câu hỏi. Tại sao Việt Nam không đầu tư dài hơi cho nông nghiệp, thế mạnh của một nước khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều đồng bằng màu mỡ mà lại đổ hàng đống tiền vào Vinashin? Tại sao mức lãi suất cho vay mà ngân hàng thế giới quy định cho Việt Nam đã tăng lên (thăng bậc) nhưng đời sống của đại bộ phận người dân vẫn nghèo? Nông dân không còn ruộng đất thì nông nghiệp sẽ đi đâu về đâu? Môi trường sống hiện nay với những thiên tai kinh hoàng xuất hiện khắp nơi đã chuyển đến chúng ta bức thông điệp gì? Những dòng kênh đen kịt ở TP HCM sẽ đi về đâu khi ý thức của mọi người vẫn còn là nỗ lực có giới hạn?

Cũng tại Minh Trân, lần đầu tiên trong đời, tôi tiếp cận một bài học mới mẻ: CEO là gì (What is the CEO?). Khái niệm CEO với tôi nghe có vẻ xa xỉ, sang trọng đến độ không cần thiết, vì tôi chưa bao giờ kinh doanh thực sự, đừng nói gì là làm lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp. Thế nhưng, tôi ngộ ra, tôi cần phải là một CEO đúng nghĩa của cuộc đời mình. Mỗi CEO cần phải nhín một chút thời gian vui chơi, hưởng thụ, tiết giảm lòng ích kỷ để tư duy, suy nghĩ và hành động thiết thực hơn cho tương lai, cho cộng đồng. Đừng để lặp lại tình trạng nhà nhà làm bất động sản, ai ai cũng mua chứng khoán, cả làng say mê trữ USD; hãy làm sao mỗi người đều có chỗ đứng của mình, đều hăng say lao vào những nghiên cứu chuyên sâu, tìm tòi, phát minh, sáng tạo cho bản thân, cho gia đình và những người xung quanh. Và tôi thấu hiểu, một CEO chính hiệu luôn phải biết rằng, làm giàu là thiết thực nhưng tài sản quý giá nhất là con người.

Một lần nữa, tôi thầm đọc lại câu nói của Nicolette K. Dewitt: “Who we are and what we are about” gửi tặng khi cô kết thúc bài thuyết trình về Ngân hàng Thế giới. Câu nói ấy với tôi như một lời răn dạy, cần phải sống với một tinh thần mới, một tinh thần rộng mở để bước vào thế giới đồng thời đừng quên định vị bản thân. Tôi giữ chặt những chìa khóa mà mình được tặng ở Minh Trân và tin rằng, đó là những tài sản vô giá mà tôi có trong chuyến hành trình dài của đời mình.

Top