Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News
[ NICD-HOME ]

Back



 

2012, CEO làm gì để vực lại doanh nghiệp?
Cập nhật lúc 22:31, Thứ năm, 12/01/2012 (GMT+7)

Diễn đàn quốc tế dành cho lãnh đạo doanh nghiệp.  
NDĐT – Những biến động kinh tế trong năm 2011 đã để lại nhiều di chứng nặng nề cho các doanh nghiệp, có đến 49.000 doanh nghiệp Việt Nam đã không vượt qua được và phải ngừng kinh doanh. Vấn đề là lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ phải làm gì để vực doanh nghiệp vượt qua năm 2012 này?

Đó là vấn đề được đặt ra trong Diễn đàn quốc tế dành cho lãnh đạo doanh nghiệp (DN) – CEO World Forum 2012 được tổ chức vào ngày 12-1 tại Hà Nội, với chủ đề "Mô hình kinh doanh mới trên nền tảng phát triển bền vững". Đây là Diễn đàn quốc tế đầu tiên dành riêng cho các tổng giám đốc, giám đốc điều hành và lãnh đạo cấp cao của DN tại Việt Nam, mở rộng ra khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới.

Những thách thức để lại từ năm cũ

Năm 2011 vừa qua là một năm đầy những biến động lớn đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm chỉ còn 3% thay vì 3.6% trước đó. Mỹ và cộng đồng châu Âu – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục sa lầy vì những khoản nợ công khổng lồ và tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao.

Kinh tế Việt Nam cũng có một năm sóng gió khi Nhà nước liên tục phải đưa ra những biện pháp mạnh tay để duy trì lãi suất, quản lý thị trường vàng, ngoại tệ và bình ổn tỷ giá. Chỉ số lạm phát trong năm 2011 của Việt Nam trên 18% vượt xa ngưỡng mục tiêu 7% mà Quốc hội đề ra năm 2010. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 9-2011 có gần 49.000 DN đã dừng hoạt động, so với năm ngoái, con số này đã tăng lên tới 11.000 DN.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính quốc gia, ngoài lạm phát, trong năm 2011 vừa qua, kinh tế Việt Nam gặp nhiều biến động như: giá điện tăng hai lần trong năm lên mức 20,8%, chứng khoán tụt dốc dưới 400 điểm, tỷ giá vàng và ngoại tệ leo thang gây bất ổn đồng nội tệ, bất động sản đóng băng, một số dự án phải bán lại hoặc hạ giá để kích cầu. Đồng thời vừa qua, Chính phủ đã quyết định đưa ra chính sạch hạ mức tăng trưởng GDP xuống khoảng 6-6,5% trong năm 2012 để ưu tiên giải quyết các vấn đề kinh tế vĩ mô.

Tình hình kinh tế khó khăn đặt ra cho các DN rất nhiều thách thức lớn. Những quy định về trần lãi suất gắt gao càng khiến cơ hội tiếp cận vốn cho hoạt động sản xuất của DN ngày càng trở nên khó khăn hơn, cùng với diễn biến tỷ giá phức tạp và động thái thắt chặt cơ chế quản lý ngoại tệ, DN và bản thân lãnh đạo mỗi DN đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Có nên tiếp tục theo đuổi những mục tiêu dài hạn để mở rộng hoạt động, chiếm lĩnh thị trường mới, hay nên tạm thời dừng lại, tập trung và những mục tiêu trước mắt để bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định thị phần? Rủi ro luôn là điều mà bất kỳ một doanh nghiệp hay lãnh đạo DN (CEO) nào, dù tầm cỡ đến đâu cũng phải e ngại. Nhưng trong rủi ro luôn có phần trăm của cơ hội, vậy làm thế nào để DN và CEO nhận ra và chớp lấy cơ hội ấy?

Tận dụng những “tia sáng le lói”

Năm 2012, vị đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra dự báo, theo kịch bản tốt thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6-6,3%. Đó là khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng ở mức khá cao (từ 3,2-4%), tỷ trọng đầu tư công của khu vực tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội cần tăng từ 35,2% năm 2011 lên mức 43% năm 2012, trong khi tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước giảm từ 38,9% xuống còn 34% năm 2012 tăng trưởng tín dụng cần trên 25%.

Với kịch bản trung bình, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2012 có thể đạt mức 5,6-5,9%, khi kinh tế thế giới tăng trưởng ở mức thấp (2,4-3,2%), tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân chiếm 40,5%-41% tổng đầu tư toàn xã hội; trong khi tỷ trọng của khu vực nhà nước là 36,5-37%.

Phát biểu tại Diễn đàn, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng đưa ra những nhận định của riêng mình. Theo ông, trong ngắn hạn, cụ thể là năm 2012, dường như ưu tiên hàng đầu của Việt Nam vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, chủ trương thận trọng về cả tiền tệ lẫn tài khóa sẽ được kiên trì, vì vậy nguồn vốn chắc sẽ không xông xênh.

Tuy nhiên, đối với DN sẽ le lói một số tia sáng như: lạm phát có thể giảm bớt, từ đó lãi suất cho vay có thể thuyên giảm phần nào, một số chủ trương giảm, dãn thuế có thể giúp DN dễ thở đôi chút. Chính phủ đã phát ra những tín hiệu cho thấy tín dụng dành cho nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và xuất khẩu, thậm chí trong cả một số phân khúc bất động sản sẽ được ưu tiên và các DN có thể tận dụng chủ trương cắt giảm đầu tư công, khuyến khícch các hình thức đầu tư như BT, BOT, PPP, tái cấu trúc DN Nhà nước, trong đó yêu cầu từng bước thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành chính…, mở ra những kênh mới cho DN ngoài quốc doanh làm ăn.

“Đó mới là những khả năng, còn có thể tận dụng được hay không và đến đâu sẽ tùy thuộc vào cả hai phía. Về phía Nhà nước, chắc rằng các DN còn trông đợi các cơ chế chính sách cụ thể kèm theo, thí dụ trong hoàn cảnh đói vốn thì làm thế nào có thể góp vốn vào các hình thức đầu tư nói trên? Nếu quyết định đầu tư thì có thể trông đợi những mối lợi gì? Về phía DN là sự chia sẻ những khó khăn chung đi đôi với tinh thần năng động, sáng tạo trong việc tận dụng những khả năng mới đang hé lộ”, nguyên Phó thủ tướng nói.

Theo ông, bên cạnh những nỗ lực cho việc làm ăn trong năm 2012, điều quan trọng hơn là DN cần chuẩn bị hành trang bước vào con đường dài, đầy khó khăn của công cuộc chuyển đổi mô hình phát triển sang hướng hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Ông Vũ Khoan chia sẻ: “Riêng cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng mô hình phát triển mới có ra đời không chủ yếu là do DN, nếu DN không làm ăn có hiệu quả, không đổi mới được công nghệ và phương thức quản trị kinh doanh, không chú trọng bảo vệ môi trường thì cũng không lấy đâu ra sự phát triển có hiệu quả và bền vững của toàn bộ nền kinh tế. Nói một cách khác, mô hình phát triển mới của đất nước bắt đâầu từ mô hình kinh doanh hiệu quả của các DN”.

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Trí Dũng, CEO NICD Nhật Bản cho rằng bây giờ là thời kỳ đổi mới. Những người làm kinh doanh phải đi theo thời đại.

“Chúng ta là những nhà doanh nghiệp, nên phải vượt lên trên những con số thống kê. Đây không phải là thời kỳ biến động kinh tế, mà là thời kỳ tái cơ cấu toàn cầu. Không thể ngồi mà chờ đợi năm sau sẽ tốt hơn. Muốn đi theo thời đại thì phải có dự báo tốt. Khi xây dựng kế hoạch kinh doanh phải hết sức bi quan nhưng khi thực hiện lại phải rất lạc quan,” ông Dũng nói.

Các chuyên gia cho rằng, một mô hình kinh doanh bền vững phải hội tụ bởi bốn yếu tố: sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn và sự điều phối nền kinh tế bằng chính sách và hành lang pháp lý của Chính phủ. Đây cũng chính là các yếu tố mà hầu hết nền kinh tế lớn trên thế giới đang áp dụng hiện nay.

NGHĨA TIẾN

Nguồn: Nhân Dân Điện Tử


Top