Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News
[ NICD-HOME ]

Back



 

09:20:58 Thứ sáu, 13/01/2012
Lật ngược thế cờ bằng mô hình mới
Anh Vû

(baodautu.vn) Doanh nghiệp có thể biến bại thành thắng với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng phát triển bền vững và chấp nhận rủi ro.

Có nên tiếp tục theo đuổi những mục tiêu dài hạn để mở rộng hoạt động, chiếm lĩnh thị trường mới, hay nên tạm thời dừng lại, tập trung vào mục tiêu trước mắt, để đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định thị phần? Với nguồn nhân lực và nguồn vốn sẵn có, làm thế nào để các giám đốc điều hành có thể chèo lái con thuyền doanh nghiệp trước những sóng gió, chủ động đi trước đón đầu những chính sách quản lý vĩ mô của Nhà nước, khẳng định được vị thế và bứt phá phát triển trong tương lai?

Đó là những vấn đề chính được đem ra bàn luận tại Diễn đàn quốc tế dành cho lãnh đạo doanh nghiệp (CEO World Forum 2012) lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội hôm qua (12/1). Ông Michael Teng, Giám đốc điều hành Corporate Turnaround Centre Pte Ltd (Singapore) cho rằng: “Có hai lý do khiến nhiều công ty buộc phải tìm lối thoát bằng một mô hình kinh doanh mới. Thứ nhất, môi trường kinh doanh đang biến đổi ngày càng nhanh hơn. Vòng đời của sản phẩm và thiết kế ngày càng ngắn. Thứ hai, sự cạnh tranh có thể đến từ bất cứ đâu, không nhất thiết chỉ trong ngành công nghiệp bạn đang hoạt động”.

Song doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn có thể lật ngược thế cờ với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng phát triển bền vững và chấp nhận rủi ro. Trên thực tế, mô hình kinh doanh bắt đầu được bàn luận nhiều trong khoảng 15 năm gần đây, kể từ khi Internet bắt đầu tạo nên nhiều cơ hội và cách thức kinh doanh mới.

Mỗi người hiểu mô hình kinh doanh theo một cách riêng. Có người cho đó là chiến lược, cũng có người cho đó là xây dựng lại quy trình hoạt động. Liên quan đến vấn đề này, ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành khu vực (Công ty Nghiên cứu thị trường TNS - Mỹ), nói: “Khi nhắc đến đổi mới mô hình kinh doanh, lãnh đạo vẫn phải dựa trên giá trị cốt lõi với những sản phẩm làm nên thế mạnh của mình”. Khi trả lời được những câu hỏi cốt lõi đó, doanh nghiệp có thể thay đổi mô hình kinh doanh rất thành công. Công ty HuePhoria LLC (Mỹ) luôn tự tin với mô hình kinh doanh mặt hàng thủy tinh vẽ tay được phân phối trực tiếp cho các cửa hàng đồ lưu niệm cao cấp. Chỉ vài năm sau khi thành lập, năm 2005, Công ty đã xây dựng được kênh bán buôn với tổng số 1.800 cửa hàng trên toàn nước Mỹ. Nhưng khi Mỹ bước vào suy thoái năm 2008, Công ty buộc phải mở rộng kênh phân phối sang các nhà bán lẻ. Việc thắt chặt tiêu dùng và việc mất đi một số lượng lớn cửa hàng phân phối sản phẩm thủy tinh cao cấp của HuePhoria khiến lượng hàng tồn kho của nhãn hàng này tăng lên đáng kể, tình hình kinh doanh ngày càng dấn sâu vào khủng hoảng.

Họ bắt đầu nhận ra rằng, cách thức hoạt động của Công ty không còn hiệu quả. Năm 2010, họ đã lật ngược tình thế bằng những ý tưởng mới mở rộng kinh doanh về lĩnh vực bán lẻ của một giám đốc kinh doanh mới tuyển. Theo đó, HuePhoria đã trưng bày thêm nhiều sản phẩm trên website để xây dựng mối quan hệ với các chủ hàng, các nhà sản xuất khác và các nhà bán lẻ, những đơn vị có sẵn kho hàng, sẵn sàng vận chuyển sản phẩm theo yêu cầu. Đó là một trong những cách thức để mở rộng các kênh phân phối sản phẩm mà không tốn nhiều chi phí cho việc thuê kho bãi.

Sau đó, Hofferberth tìm cách tận dụng các khách hàng trung thành của HuePhoria là các bà nội trợ. Họ sẽ giúp triển khai bán hàng trực tiếp, giới thiệu sản phẩm tới bạn bè, người thân. Tháng 11/2010, HuePhoria đã phát động chương trình “Ball Mom” - chỉ cần trả 150 - 599 USD, bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể trở thành đại diện bán hàng và được chiết khấu 25% trên tổng doanh số. Hiện “Ball Mom” chiếm 44% doanh thu của HuePhoria, trong khi doanh thu từ các nhà bán buôn chỉ chiếm 35% và doanh thu từ bán hàng trực tiếp cho cửa hàng chỉ có 19%. Các chiến lược mới đã tỏ ra có hiệu quả. Doanh thu trong quý đầu tiên năm 2011 đã tăng tới 72% so với cùng kỳ năm 2010.

Tương tự, Bakery & Café là mô hình kinh doanh nổi tiếng trên thế giới với sự kết hợp giữa bakery truyền thống với quán café hiện đại. Công ty cổ phần Thực phẩm Kinh Đô Sài Gòn (thuộc Kinh Đô Group) đã áp dụng mô hình kinh doanh này tại Việt Nam từ năm 2009 và hiện đã có 12 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. K-DO Bakery & Café hướng đến phân khúc giới trẻ năng động, nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Ngoài sản phẩm bánh tươi quen thuộc, khách hàng còn có thể thưởng thức các món thức ăn nhanh, thức uống và nhiều dịch vụ tiện ích. Trong thời gian tới, Kinh Đô sẽ tập trung phát triển hai mô hình kinh doanh chủ đạo gồm: K-Do Bakery & Café - địa điểm họp mặt lý tưởng cho nhóm bạn trẻ, ấm cúng của gia đình và Kinh Đô Bakery chuyên phục vụ bánh tươi và nước uống.

Đa dạng mô hình kinh doanh sẽ mang lại hình ảnh mới, năng động, chuyên nghiệp và tạo nền tảng quan trọng, vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Nguồn: baomoi.com


Top