Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News
[ NICD-HOME ]

Back



 


Cập nhật lúc : 9:49 PM, 12/01/2012

Đổi mới tư duy kinh doanh phù hợp với người Việt


Lãnh đạo doanh nghiệp cần thẳng thắn nhìn nhận hiện trạng, khó khăn của nền kinh tế.

(VOV) - Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần thay đổi chiến lược kinh doanh mà còn cần phải nhanh chóng thay đổi tư duy của mình”.


“Thay đổi mô hình kinh doanh như thế nào để doanh nghiệp đứng vững trước sóng gió, khẳng định được vị trí và bứt phá phát triển trong tương lai là câu hỏi lớn đặt ra cho các doanh nhân. Đó cũng là nội dung chính của Diễn đàn quốc tế dành cho lãnh đạo doanh nghiệp – CEO World Forum 2012 tổ chức ngày 12/1, tại Hà Nội, với chủ đề "Mô hình kinh doanh mới trên nền tảng phát triển bền vững".

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã thẳng thắn nhìn nhận hiện trạng, tình hình khó khăn của nền kinh tế, từ đó nhận định: một mô hình kinh doanh bền vững phải hội tụ bởi bốn yếu tố: sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; nguồn nhân lực chất lượng cao có định hướng; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, ngân sách đầu tư trong và ngoài nước; sự điều phối nền kinh tế bằng chính sách và khung hành lang pháp lý của chính phủ giúp cho doanh nghiệp hoạt động một cách thuận lợi và ổn định. Đây cũng chính là các yếu tố mà hầu hết nền kinh tế lớn trên thế giới đang áp dụng hiện nay để vượt qua khó khăn, khủng hoảng.

Theo ông Inigo Guevara, Phó chủ tịch toàn cầu, Giám đốc điều hành Indra Châu Á-Thái Bình Dương, nền kinh tế thế giới đang rất khó khăn, tuy nhiên đây cũng là thời điểm xuất hiện nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp không nên quá bi quan về khủng hoảng kinh tế. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình, tạo lợi thế sản phẩm tốt nhất, mở rộng sản xuất sang các khu vực có chi phí thấp.

Ông Inigo Guevara cho biết: “Khi thị trường Tây Ban Nha khó khăn, Châu Âu chịu khủng hoảng nợ công thì chúng tôi mở rộng thị trường ra khu vực Asean, Châu Mỹ La tinh để tận dụng cơ hội từ sự tăng trưởng của các nền kinh tế tại đây. Bởi khủng hoảng không đánh toàn bộ các quốc gia. Hiện châu Á-Thái Bình Dương đang là khu vực rất tốt. Tại Việt Nam, kiểm soát lạm phát vẫn là vấn đề rất khó khăn, tuy nhiên chúng tôi vẫn xác định Việt Nam là một thị trường tiềm năng và có tính hấp dẫn riêng”.

Cần tiếp tục mở rộng tầm nhìn đi xa hơn và thị trường châu Phi đang là khu vực tiềm năng cho các doanh nghiệp châu Á, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam cũng là nhận định của nhiều chuyên gia. Ông Michael Teng, Giám đốc điều hành Coporate Turnaround Center Singapore cho rằng: nếu như các nước Đông Nam Á cần tới vài thập kỷ để thành những “con rồng”, thì thị trường Châu Phi chỉ cần khoảng một thập kỷ là có thể trở thành những “con hổ”. Các quốc gia này được đánh giá là không ảnh hưởng bởi khủng hoảng toàn cầu, dự báo tới năm 2015, tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào khu vực này sẽ tăng đến con số 150 tỷ USD. Hiện Trung Quốc là quốc gia nắm bắt cơ hội này rất tốt. Ông Michael Teng nói: “Theo tôi, Việt Nam đã có sẵn các mối quan hệ tốt với châu Phi nên việc các doanh nghiệp tiếp cận thị trường này là khá thuận lợi. Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với châu Phi trong ba lĩnh vực: Sản phẩm nông nghiệp (thực phẩm là hàng hóa có giá trị trong khủng hoảng); xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực; sử dụng vốn viện trợ vào sản xuất”.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia nhận định năm 2012 sẽ là năm có tính chất bước ngoặt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần thay đổi chiến lược kinh doanh mà còn cần phải nhanh chóng thay đổi tư duy của mình. Một trong những điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là suy nghĩ rụt rè nhưng lập kế hoạch lại quá lạc quan./.

Cẩm Tú/Trung tâm tin


Nguồn: VOV online


Top