Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News
[ NICD-HOME ]

Back



 


Phát triển DN bền vững: Phải dựa vào 4 trụ cột
Cập nhật lúc : 4:09 PM, 12/01/2012

Phải dựa vào 4 trụ cột. Ảnh: TH.

(eFinance Online) - Hôm nay, ngày 12/1, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn quốc tế dành cho lãnh đạo doanh nghiệp - CEO World Forum 2012 với chủ đề "Mô hình kinh doanh mới trên nền tảng phát triển bền vững".

Năm 2011 vừa qua là một năm đầy những biến động lớn đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm chỉ còn 3% thay vì 3.6% trước đó. Mỹ và cộng đồng châu Âu - 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục “sa lầy” vì những khoản nợ công khổng lồ và tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao. Cùng với đó, kinh tế Việt Nam cũng có một năm sóng gió khi Nhà nước liên tục phải đưa ra những biện pháp mạnh tay để duy trì lãi suất, quản lý thị trường vàng, ngoại tệ và bình ổn tỷ giá. Chỉ số lạm phát trong năm 2011 của Việt Nam trên 18% vượt xa ngưỡng mục tiêu 7% mà Quốc hội đề ra năm 2010; theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 9/2011 có gần 49.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, so với năm ngoái, con số này đã tăng lên tới 11.000 doanh nghiệp.

Tình hình kinh tế khó khăn đặt ra cho các doanh nghiệp rất nhiều thách thức lớn. Những quy định về trần lãi suất gắt gao càng khiến cơ hội tiếp cận vốn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngày càng trở nên khó khăn hơn, cùng với diễn biến tỷ giá phức tạp và động thái thắt chặt cơ chế quản lý ngoại tệ, doanh nghiệp và bản thân lãnh đạo mỗi doanh nghiệp đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn.

Có nên tiếp tục theo đuổi những mục tiêu dài hạn để mở rộng hoạt động, chiếm lĩnh thị trường mới, hay nên tạm thời dừng lại, tập trung và những mục tiêu trước mắt để đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định thị phần? Rủi ro luôn là điều mà bất kì một doanh nghiệp hay CEO nào, dù tầm cỡ đến đâu cũng phải e ngại, nhưng trong rủi ro luôn có phần trăm của cơ hội, vậy làm thế nào để doanh nghiệp và CEO nhận ra và chớp lấy cơ hội ấy? Với nguồn nhân lực và nguồn vốn sẵn có, làm thế nào để CEO có thể chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình đứng vững trước những sóng gió, chủ động đi trước đón đầu những chính sách quản lý vĩ mô của nhà nước, khẳng định được vị trí của mình và bứt phá phát triển trong tương lai?...Đây là những câu hỏi được đặt ra cho hầu hết các chuyên gia có mặt tại diễn đàn.

Thực tế, phát triển bền vững là xu thế phát triển tất yếu của thời đại và đây cũng là mục tiêu chính của bất kỳ quốc gia nào. Để có nền kinh tế bền vững, mỗi quốc gia phải tập trung và dựa vào bốn trụ cột chính giúp cho các khối doanh nghiệp phát triển và hội nhập toàn cầu.

Cụ thể, một mô hình kinh doanh bền vững phải hội tụ bởi các yếu tố: Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm cơ sở tạo dựng và quyết định mô hình kinh doanh cũng như nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp; Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể định hướng điều hành, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển; Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, ngân sách đầu tư trong và ngoài nước làm động lực thúc đẩy doanh nghiệp; Sự điều phối nền kinh tế bằng chính sách và khung hành lang pháp lý của chính phủ giúp cho doanh nghiệp hoạt động một cách thuận lợi và ổn định. Đây cũng chính là các yếu tố mà hầu hết nền kinh tế lớn trên thế giới đang áp dụng hiện nay.

Đặc biệt, về vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh cho rằng với những nhiệm vụ nặng nề trong năm 2012, các tập đoàn nhà nước như Dầu khí, Than - khoáng sản...phải phối hợp, hướng mạnh đổi mới để giảm thiểu nhu cầu sử dụng năng lượng nói chung mà cụ thể là điện năng của nền kinh tế, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ đó, làm cơ sở xây dựng mô hình kinh doanh cũng như nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp.

Thực tế, theo đánh giá của ông Nguyễn Đăng Vang, Nguyên Phó chủ nhiệm, Ủy ban KHCN-MT Quốc Hội thì với các nước đang phát triển, tài nguyên thiên nhiên là một yếu tố rất quan trọng để tạo ra lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững đối với quốc gia, cũng như nền kinh tế. Vấn đề sử dụng hiệu quả và phát triển nguồn tài nguyên, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay là một trong những vấn đề cấp thiết mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan của chính phủ cần phải quan tâm nhiều nhất.

Một vấn đề nữa đặt ra cho Việt Nam bởi hiện các nhà đầu tư đang e dè trong việc đổ vốn vào các dự án hoặc vào các dịch vụ kinh doanh mới, cùng với chính sách thắt chặt tín dụng dẫn đến hệ lụy của một số dự án bị ngưng trệ. Vì thế, chính sách và khung hành lang pháp lý của chính phủ phải là yếu tố tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển. Chính sách ban hành nhất quán, đồng bộ sẽ giúp các doanh nghiệp có thể chủ động và thực hiện nhanh hơn các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Qua đó cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài hơn để phát triển kinh tế và xã hội. - Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc, KPMG khuyến nghị.

Một lần nữa, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Để có nền kinh tế bền vững, mỗi quốc gia phải tập trung và dựa vào bốn trụ cột chính giúp cho các khối doanh nghiệp phát triển và hội nhập toàn cầu: Phát triển nguồn tài nguyên quốc gia, Tận dụng nguồn nhân lực cấp cao, Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư và ngân sách trong và ngoài nước, Minh bạch chính sách quản lý vĩ mô cũng như khung hành lang pháp lý của Chính Phủ.

Sự kiện do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG phối hợp với Câu lạc bộ Giám đốc điều hành và Giám đốc CNTT (CEO&CIO Club) tổ chức. Với sự bảo trợ và phối hợp của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Châu Âu, Úc, Anh, Singapore, Ý, Malaysia, cùng với hơn 200 nhà lãnh đạo là đại diện bộ ban ngành chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam năng động, các doanh nghiệp nước ngoài giàu kinh nghiệm và các quỹ đầu tư, Diễn đàn Quốc tế dành cho Lãnh đạo Doanh nghiệp - CEO World Forum, tiền thân là Business Leaders Bridge Forum sẽ là cầu nối thông tin cho các lãnh đạo cùng trao đổi chia sẻ, tìm kiếm cơ hội hợp tác và gắn kết lâu dài nhằm xây dựng định hướng cho nền kinh tế hướng đến sự phát triển bền vững trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Đây là Diễn đàn quốc tế đầu tiên dành riêng cho các tổng giám đốc, giám đốc điều hành và lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp tại Việt Nam, mở rộng ra khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới.

(T.Hương)

Nguồn: Tài chính điện tử


Top