Tuổi ấu thơ tôi thường được nghe Ba Mẹ kể chuyện về Bác Hồ. Đối với tôi ngày ấy như chuyện thần thoại. Ba Mẹ tôi qua đời đã lâu nhưng chắc cũng tự hào nếu biết rằng ý định lấy những câu chuyện của Bác Hồ để dạy con mình đã đóng góp rất nhiều hình thành, định hướng cuộc đời tôi. Ba mẹ tôi là điểm tựa của tình yêu quê hương, tổ quốc nhưng có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh đã định hướng cho tôi là nên yêu đất nước như thế nào.
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn chiến tranh giải phóng dân tộc “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi ”. Từ nhỏ tôi đã được nghe những câu chuyện rất quen thuộc quanh tên gọi Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ một ngày khi còn là học sinh cấp III, khi phong trào Phật Giáo và sinh viên miền Nam kêu gọi hòa bình chấm dứt chiến tranh nổi lên tại Sài Gòn và Nam Bộ, qua radio lần đầu tiên tôi được nghe tiếng nói của Bác Hồ, từ tốn, trầm ấm nhưng chắc chắn như tiếng trống rung chuyển toàn thân tôi. Âm hưởng này như vẫn còn vang dội quanh đây, lúc nào như cũng nhắc nhở: “Không gì quý hơn độc lập, tự do” ; “ Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ ”.
Đây là lý do tại sao, tôi không còn là một học sinh bình thường chỉ biết lo ăn học, bổng chốc “lớn lên” tham gia vào phong trào học sinh đấu tranh đòi hòa bình ở Sài Gòn, qua đó hiểu thấm thía sức mạnh của hai chữ “ nhân dân”. Năm 1968, ngay sau khi vừa đặt chân đến Nhật Bản tham gia thành lập tổ chức Người Việt tại Nhật Bản đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước. Tháng 8/1969, nhân hội nghị Midway, Mỹ tuyên bố mở rộng chiến tranh, chúng tôi đã chiếm Sứ quán Miền Nam tại Nhật Bản để khẳng định nguyện vọng của trí thức Miền Nam: “ Nam Bắc Việt Nam là một, Mỹ phải rút khỏi Việt Nam ” . Tất cả những hoạt động từ ngày ấy đến nay, trong giai đoạn chiến tranh cũng như giai đoạn phục hồi xây dựng phát triển đất nước đều như có một năng lượng phát sinh từ những lời nhắn nhủ của Bác.
“Chuyện nghe như không thật” đó là cảm nghĩ của một số bạn trẻ ngày nay được sinh ra và lớn lên trong thời đại đất nước đã được giải phóng, hòa bình và thống nhất, đang hội nhập toàn cầu, điều kiện tiếp cận kỹ thuật hiện đại rất cao, đời sống ngày càng nặng tính “xã hội tiêu thụ”. Có bạn trẻ ra nước ngoài khi được hỏi về quê hương của mình đã thản nhiên trả lời “tôi là người Hàn Quốc” và nói với tôi “như thế để khỏi phiền”. Các bạn đó, theo tôi nghĩ, không phải là không yêu quê hương của mình nhưng đã không may mắn như những người của thế hệ tôi được tiếp cận với tư tưởng Hồ Chí Minh để hãnh diện về quê hương tổ quốc mình.
Trí thức trong cũng như ngoài nước đã không thể làm ngơ trước bom đạn dày xéo quê hương, đứng lên đáp lại lời kêu gọi của Tổ quốc thì lại càng không thể quên trách nhiệm xây dựng phát triển đất nước “ đàng hoàng hơn ”, trong thời đại hội nhập ngày nay trên cơ sở “ cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt ”.
Đâu chỉ riêng người Việt, nhân dân trên toàn cầu đều biết đến tên Bác, nhắc đến Việt Nam như là “ lương tâm của thời đại ”. Tại sao Việt Nam ta lại được sự chia sẻ, ủng hộ giúp đỡ của đông đảo cộng đồng nhân loại như thế? Sự nghiệp giải phóng dân tộc qua ngoại giao nhân dân được tăng sức trở thành ngọn sóng thần, đi đến thắng lợi giải phóng hoàn toàn Miền Nam Việt Nam 30/4/1975, thống nhất đất nước
Tổng kết lại, tôi có suy nghĩ để phát triển Việt Nam không thể tách rời khỏi cộng đồng nhân loại, chủ trương và chính sách Việt Nam cũng xác nhận chân lý này, nhưng trong quá trình thực hiện còn nhiều bất cập. Nhiều năm qua, “ ngoại giao nhân dân ” thiếu được vận dụng cụ thể trong quá trình xây dựng kinh tế, khoa học kỹ thuật làm nền tảng cho đất nước ta. Gần đây, đường lối ngoại giao nhân dân đang được xác nhận lại và quan tâm nhiều hơn. Tôi hy vọng rằng nguồn nhân lực trí thức Người Việt Nam Ở Nước Ngoài và chất xám nhân loại sẽ được vận dụng tích cực. Trong ý nghĩa ngoại giao nhân dân chính là chiến lược hội nhập, nhiều năm qua tôi đã vận động đông đảo trí thức Nhật Bản đóng góp nhiều lãnh vực cho sự phát triển của Việt Nam. Ngay chính điều này cũng như là những lời nhắn nhủ của Bác.
Càng hội nhập lại càng cần bản sắc văn hóa dân tộc, nên “ phải bám vào
truyền thống để tiến lên hiện đại ”. Nhiều thách thức trước mắt, nhưng
chắc chắn sức mạnh của dân tộc ta sẽ vượt qua.
Bước qua thế kỷ 21, những biến động trong những năm gần đây cho thấy nhân
loại đang chuẩn bị chuyển mình vào một thời đại mới. Một thời đại mà cũng
không nhiều người có thể nhận thức được sẽ như thế nào. Nhưng chắc chắn
thời đại này sẽ khác rất nhiều so với thời đại chúng ta đã trải qua. Nhiều
nước, nhiều nơi trên thế giới đang nói đến “ sự thay đổi ”, “ phá vỡ bức
tường của ngày hôm nay ”. Theo tôi nghĩ loài người đang thực sự bước vào
thời đại lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, xây dựng một xã hội “ đàng
hoàng hơn ”, “mình vì mọi người, mọi người vì mình ”. Tóm lại, như thể
những điều Bác Hồ nói từ hơn nửa thế kỷ trước đã hình thành một nền tảng
cho sự phát triển của xã hội loài người trong hiện tại và tương lai.
Tôi hãnh diện làm người con của đất Việt và xin nguyện góp phần mình xây
dựng niềm hãnh diện đó.
Xin cảm ơn Việt Nam
Xin cảm ơn Bác Hồ Chí Minh