Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News
[ NICD-HOME ]

Back



 

Nhạc sĩ Hoàng Thị Kiều Anh
Gieo mầm tin vào sức mạnh dân tộc
Ngày 30.09.2013, 09:01 (GMT+7)

SGTT.VN - Tốt nghiệp loại ưu nhạc viện Hà Nội, thạc sĩ chuyên ngành piano nhạc viện Bratislava (Slovakia) và làm giảng viên tại đây từ năm 1995, từng tu nghiệp tại nhạc viện Paris… những tác phẩm do chị sáng tác và trình tấu được đưa vào học trình nhạc viện Bratislava như một kiểu mẫu của sự hoà hợp kỹ năng, nhạc cụ phương Tây với giai điệu Đông phương. Trên website của mình, dịch giả Phan Huy Đường dành riêng cho chị một trang có tên “Đam mê sáng tác giữa hai chân trời”, để chuyển tải những tác phẩm âm nhạc như một bức tranh Việt sống động giữa lòng bạn bè thế giới…


Từng biểu diễn khắp thế giới, lý do gì chị chọn sống ở Slovakia và trở thành một sứ giả văn hoá Việt Nam qua âm nhạc?

Slovakia cho tôi cảm nhận đến tận xương tuỷ sự thanh bình (sự từng trải cho tôi hiểu cái giá của thanh bình). Văn hoá nghe của họ rất cao, vì trong lòng rất tĩnh. Khán giả đến là để được lắng nghe, được thưởng thức, được chìm sâu trong thế giới của cái đẹp. Đó là một dân tộc mà tính Mẹ rất đậm, rất rộng, nhưng rất coi trọng vẻ đẹp của dân tộc khác. Chính những người bạn ấy luôn khuyến khích tôi đi theo con đường mình đã chọn. Nó khiến mình luôn phải nâng cấp, phải tỉ mỉ trau chuốt, tinh tế trong tiếng đàn, trong sáng tác.

Có lẽ nhờ thế, âm nhạc của chị rất thanh bình?

Âm nhạc là kết tinh của một xã hội. Khi tôi nghe những người bạn Peru hát quốc ca của họ, tôi hiểu đất nước ấy rất tươi đẹp, bởi âm hưởng thật bao la, thanh bình… Tìm hiểu sâu về âm nhạc dân gian, đọc rất nhiều văn chương Việt, lắng nghe tiếng nói người Việt, đặc biệt những người có bề dày về văn hoá, tôi thấy âm trong tiếng Việt rất phong phú và đầy màu sắc, đi gần nhất vào bản chất sự việc. Trong bất kỳ nền âm nhạc nào, gọi đúng tên bản chất, gần sự thật nhất, chính là cái đẹp.

Sự hài hoà giữa vẻ đẹp phương Đông và phương Tây của chị có được từ đâu?

Tôi sinh ra ở Thanh Hoá, bố là nghệ sĩ ưu tú Hoàng Hải, mẹ là ca sĩ Uyên Phi. Từ nhỏ tôi được sống với ông bà ngoại vốn là nhà nho, lại am hiểu văn chương Pháp. Gia đình tôi có một trang trại cổ xưa nằm bên cạnh những đền chùa, những bài hát dân ca của mẹ và bà ngấm sâu, đưa tôi vào một thế giới cổ tích mà ở đó, sự thuỷ chung, hy sinh, cảm thông, sẻ chia, an nhiên tự tại như văn hoá nền của đạo Mẫu. Ngày ấy sách vở tuy ít nhưng rất chọn lọc, nên đầu óc trẻ thơ được vun trồng bởi những cây to, cây tốt. Dù cuộc sống lúc ấy còn rất khó khăn, ông ngoại tôi vẫn dành toàn sức lực của mình để trồng những cánh đồng bạt ngàn hoa cúc. Ông chơi hoa cũng rất cầu kỳ, rất gần với văn chương Nguyễn Tuân… Sự tao nhã trong cư xử hàng ngày, miếng ăn, cách mặc của ông bà đã như màng lọc tự nhiên thấm vào tôi một nghệ thuật sống thanh nhẹ, như một phẩm cách không thể đánh mất, không thể khác… Chính những cây đa, bến nước, sân đình ấy đã giúp tôi xa lạ với tất cả những gì không thanh, không nhã.

Mười hai năm sống trong trường nội trú, những người thầy tận tuỵ, thương yêu học sinh như con của mình, được tiếp xúc với văn hoá châu Âu qua những dòng nhạc cổ điển đã giúp tôi hình thành sự cân đối, mạch lạc, rõ ràng. Nhưng chỉ đến khi xa đất nước, lòng tự hào dân tộc trỗi dậy, cội nguồn trong mình mới trở thành sức mạnh thôi thúc tôi viết Hồ sen và chim sẻ, Trống đồng, Giấc trần gian, Lời mẹ dặn… Sự hài hoà giữa vẻ đẹp phương Đông và phương Tây đã trở thành vô thức. Hình như sống xa rừng, người ta mới yêu rừng hơn. Ở xa Việt Nam mình mới nhớ da diết đến thế, mà chỉ nhớ cái đẹp, và muốn giới thiệu cho người khác biết về nơi mình đã sinh ra…

Nhưng chị cũng từng trải qua một tuổi thơ “vỡ nát”?

Trong bất kỳ nền âm nhạc nào, gọi đúng tên bản chất, gần sự thật nhất, chính là cái đẹp.

Viết cho trẻ thơ là con đường mà tôi yêu thích, bởi trẻ em, mà tôi là một minh chứng cụ thể, đã từng bị vặn lên tối đa nên nội tâm bị vỡ nát. Âm nhạc là một liệu pháp tốt. Tôi mong muốn viết thật nhiều những giai điệu đẹp, êm ái, vui vẻ, hồn nhiên, rực rỡ, nồng nhiệt, thân ái… trước hết tặng riêng cho miền thơ ấu trong tâm hồn tôi, để nó được sống trở lại. Tại sao lại phải có chiến tranh và mãi chiến tranh? Tại sao trẻ em lại phải sống trong sợ hãi và căng thẳng? Những trải nghiệm đau đớn và bất lực trong cuộc sống chỉ có thể chữa lành bằng tình yêu qua âm nhạc.
Một điều rất bất ngờ với tôi là các em đã vẽ nhiều bức tranh thật ngộ nghĩnh, viết nhiều bài thơ xúc động về Việt Nam sau khi trình diễn các tác phẩm của tôi. Âm nhạc phản hồi lại qua một màng lọc tinh khiết như thế thật kỳ diệu. Tôi rất biết ơn các em nhỏ, giống như một tấm gương mình được soi vào một lần nữa, lây cái tươi sáng của trẻ thơ… Các em đã dạy tôi một điều thật quý giá: khi cô đơn chính là lúc mình được sống với mình thật nhất, và mình sẽ dũng cảm và chân thực hơn. Đừng sợ cô đơn.

Để lọt vào học trình của nhạc viện Slovakia, được NXB Slovakia Music ấn hành, tác phẩm phải đạt được những chuẩn mực nào?

Trong hơn 110 tác phẩm qua mười mấy năm sáng tác, nhà xuất bản chọn ra 46 tác phẩm, trải qua ba lần thẩm định chuyên môn, đáp ứng những chuẩn mực: tác phẩm viết cho trẻ em có tính chuyên nghiệp cao; có tính thương mại; tính giáo dục, gợi trí tưởng tượng, tính logic cao; tính độc đáo: trên nền âm nhạc cổ điển, kết cấu hình thức âm nhạc châu Âu nhưng mang hơi thở châu Á…

Chị có mong một ngày nào đó, các em nhỏ Việt Nam sẽ biểu diễn những tác phẩm của mình?

Đó là mong ước tự nhiên, như lá rụng về cội. Trẻ em giống như trang giấy mới, những gì viết lên trên đó phải thực sự giá trị. Là một người sống giữa ngã ba sông quốc tế, tiếp nhận sự giao lưu về tư tưởng, tôi muốn đem những kinh nghiệm đó truyền đạt cho thế hệ trẻ, gieo những mầm tin tưởng vào sức mạnh dân tộc. Dù thế nào dân tộc vẫn trường tồn, cuộc sống chỉ có thể đẹp hơn, không thể khác.

Chị nghĩ gì về sự tụt hậu, đứt quãng kéo dài trong thưởng thức và sáng tác nhạc giao hưởng Việt Nam so với các nước khu vực?

Đòi hỏi một đất nước chiến tranh liên miên như Việt Nam phải có một kho tàng âm nhạc cổ điển là hơi khó. Sự đứt quãng trong sáng tác, cảm thụ âm nhạc là không thể tránh khỏi. Người nghệ sĩ không nên tuyệt vọng, hãy cứ sáng tạo, rồi cuối cùng âm nhạc sẽ được vang lên, sớm hay muộn thôi. Đầu tư cho giao hưởng rất lớn, nhưng trước hết phải do nhu cầu xã hội. Âm nhạc giao hưởng đòi hỏi tâm hồn phải tĩnh mới nghe được. Cũng phải rèn luyện mới có thể nhìn được cái đẹp, cái hay. Nhưng cuộc sống hiện tại của người Việt Nam bị phá vỡ bởi quá nhiều thứ, nhộn nhạo thế này thì âm nhạc đâu còn đất sống. Trước sau gì con người cũng phải quay lại với lương tri, với sự tĩnh lặng, sự trường tồn. Tôi không nhìn gần quá, khi xã hội phát triển cao, ăn no mặc ấm, con người sẽ quay trở lại những giá trị nhân văn, nhân bản. Chắc chắn thế. Vẫn còn nhiều người tâm huyết thiết tha với dân tộc lắm.

Chị hiểu như thế nào về khẩu hiệu “bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc”?

Khi mình tôn trọng phím đàn, thì không thể “hạ tay” chơi những hợp âm xấu, vì trước hết sẽ làm mình đau.

Về bản chất, đó là một khẩu hiệu hay. Đầu tiên, phải có, có một cách vững chắc mới bảo tồn được, nhưng phải phát triển mới hoà nhập được với thời đại. Ngôn ngữ âm nhạc cũng vậy, phải được giao lưu và làm mới bởi nhiều yếu tố khác nữa để mang hơi thở thời đại. Trong nghệ thuật, trực giác nghệ sĩ luôn mang tính dự báo. Nội tâm phản ánh xã hội, thời kỳ nào âm nhạc đó. Thời loạn âm nhạc loạn, thời bình âm nhạc mới bình. Nhiều tác phẩm âm nhạc gần đây bị lai tạp một cách vô tội vạ vì không biết mình là ai. Tiêm vào giới trẻ những sản phẩm thiếu chắt lọc như thế là một tội ác.

Tác phẩm Lựa chọn đi chị viết cho thanh nhạc và piano trên lời văn truyện ngắn Hậu duệ dòng họ Ngô Thì của Nguyễn Khải đã được nhà hát opera quốc gia Slovakia thể hiện rất xúc động. Dường như chị đang đi tới một thứ âm nhạc hậu hiện đại, xoá nhoà ranh giới của các loại hình nghệ thuật?

Đỉnh cao của triết lý Phật giáo chính là sự hợp nhất. Khi đã đạt tới một cảnh giới nào đó, sẽ không còn sự phân biệt, chỉ còn lại âm thanh thôi. Triết lý sâu xa ấy là cả một quá trình rèn luyện lâu dài trong cách thể hiện, để nó có thể tan ra như một dòng nước.

Triết lý ấy đã dẫn dắt chị đi qua những vấp ngã cuộc đời một cách điềm tĩnh?

Hợp nhất chỉ đến trong âm nhạc, còn trong cuộc sống, mới chỉ là… hướng tới. Cuộc sống cũng đã từng cho tôi những trận đòn đau đấy. Mình cũng sai, cũng hỏng liên tục đấy thôi, nhưng phải đi mới đến được, không đi là dừng lại. Sau mỗi lần vấp ngã, mình ngộ ra cái tôi chẳng có nghĩa lý gì. Mình ngã do cái tôi lớn quá, do mình kỳ vọng, tham lam quá. Văn hoá nghệ thuật giúp con người giảm bớt cái tôi, biết tha thứ cho cuộc sống và cho chính mình, biết tôn trọng người khác. Hãy chân thực trước hết với bản thân mình. Và khi mình tôn trọng phím đàn, thì không thể “hạ tay” chơi những hợp âm xấu, vì trước hết sẽ làm mình đau.

Tôi còn ngộ ra một điều nữa: khi giảm cái tôi đi thì may mắn trong cuộc sống cũng tăng lên, những điều bất như ý sẽ nhẹ bớt đi, giúp cho mình không ngại mở lòng trước những lời đề nghị tình cờ của cuộc sống. Cuộc sống đẹp ở những điều nhỏ nhặt tình cờ, những bịn rịn xung quanh, những ánh mắt trẻ thơ níu kéo… Biết, biết một cách rốt ráo sẽ cảm thông hơn với mọi người. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều với những người giỏi giang hơn mình cũng là một tấm gương đẩy mình tiến về phía trước.

Những lần trở về nước gần đây, chị có lo âu nhiều không khi cái xấu, cái ác đang trở thành một vấn nạn của toàn xã hội?

Phải triệt để bảo vệ bằng bất cứ giá nào sự trong sáng của tâm hồn. Bằng âm nhạc, tôi ý thức mãnh liệt điều đó. Tôi thích văn chương của Bùi Ngọc Tấn, ông giúp tôi biết yêu cái tự tại khi nói về đau khổ. Tôi ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng của đạo Phật. Đạo Phật không nói đến sự sở hữu, mà chỉ nói đến hỉ xả, giải thoát. Chưa thoát được, thì chưa thể là mình.

Con trai đầu của chị cũng được di truyền từ mẹ tình yêu âm nhạc?

(Cười hạnh phúc) Cháu học chuyên toán, ba lần đoạt giải piano quốc gia của Slovakia, chơi nhiều tác phẩm của mẹ. Một tâm hồn rất nhạy cảm, trong như gương, nhưng rất khó trở thành nghệ sĩ chơi đàn trước công chúng, vì ngoài tài năng còn rất cần sự khổ luyện, bản lĩnh để chìm vào âm nhạc, thần kinh vững để không quên từng nốt nhạc, và khả năng biểu diễn trước đám đông… Âm nhạc bác học đòi hỏi sự rèn luyện tối đa về thời gian, một lao động nghệ thuật nghiệt ngã mà không phải ai cũng hội tụ đủ mọi yếu tố. Tôi chỉ mong con được hạnh phúc, hài lòng với sự có mặt của mình trong cuộc đời, có những căn bản tốt để xử lý cuộc sống dựa trên hiểu biết về một nền văn hoá thâm sâu.

Chị đã nhận được điều gì từ những cuộc gặp tri âm?

Nhờ âm nhạc, tôi có thêm rất nhiều bạn. Gặp nhau là hiểu, là yêu quý liền, chẳng cần nói gì nhiều. Nhờ những người bạn ấy, tôi thấy mình được tồn tại. Sự chân thành, tôn trọng của bạn bè giúp tôi biết lắng nghe những nỗi đau của bạn bằng trực giác nhạy bén của người nghệ sĩ, để có thể đọc được những điều sâu thẳm mà chính bạn cũng chưa thể gọi tên. Phải chăng vì điều đó mà bạn thích mình… Trong mối quan hệ giữa con người với con người, có những người không đủ tâm để công nhận sự thành đạt của người khác. Sự ghen tức nhiều khi khiến họ tối tăm mặt mày. Nếu có thể, đừng làm người khác tổn thương dù bằng bất kỳ hình thức nào.

Người ảnh hưởng và là nguồn động lực lớn nhất giúp tôi kiên định với con đường của mình chính là bà giáo, nghệ sĩ dương cầm Daniela Varinska. Cuộc sống nghệ sĩ không giàu về vật chất, giảng dạy, biểu diễn chỉ để có nguồn sống bình dị, nhưng sự quên mình trong nghệ thuật để chơi những tác phẩm mẫu mực và tình yêu học trò tận tuỵ của bà đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Chính bà đã tin tưởng mãnh liệt tôi sẽ đi đến đích.

Tôi từng trải qua một tuổi thơ không hạnh phúc khi sống trong trường nội trú, thiếu ăn, thiếu bạn bè, từng bi quan… nhưng khi dạy nhạc cho các em khuyết tật, biết các em chỉ có một ước mơ duy nhất là có đủ ngón tay để chơi những bản nhạc như mình, tôi mới hiểu mình quá may mắn. Sự hồn nhiên của các em, sự tận tuỵ truyền đạt cái đẹp của cô giáo tôi là những lăng kính để dạy tôi biết yêu thương. Học nhạc, không phải ai cũng trở thành nghệ sĩ, quan trọng nhất là dạy trẻ sự hồn nhiên, biết yêu thương. Khi yêu thương, con người sẽ bớt đi thú tính.

THỰC HIỆN: KIM YẾN

CHÂN DUNG HỘI HOẠ: HOÀNG TƯỜNG

Nhạc sĩ Vitaoslav Kubicka (Slovakia):
“Những tác phẩm của chị như một nhịp cầu nối liền hai thế giới xa xôi với hai nền văn hoá khác biệt. Đó là biểu tượng cho một thế giới của tương lai, nơi mà những giá trị tinh thần sẽ bắc những nhịp cầu dẫn tới vũ trụ”.

Source: SGTT Media


Xem thêm hình ảnh

Top