Cuốn tự
truyện của ông Honda Soichiro - Giám đốc Công ty Honda Nhật Bản giai đoạn
1948-1973, với tiêu đề “Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới” (từ tác phẩm: Yume O
Chikarani, Người dịch: Nguyễn Trí Dũng) chuẩn bị ra mắt độc giả Việt Nam.
Sách do Trung tâm Sách và Xuất bản Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp
với NXB Văn hóa Sài Gòn và Trường Doanh Thương Trí Dũng xuất bản. Chúng
tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Dũng.
- Điều
gì thôi thúc ông, một doanh nhân, quyết định dấn thân vào hành trình dịch
sách?
Sang Nhật Bản từ năm 1967, sinh sống và làm việc suốt 40 năm ở
đất nước này, tôi rất khâm phục ý chí và nghị lực của người dân nơi đây. Trong
những năm tháng chiến tranh, từng sống và học tập ở nước ngoài và nếu có ước mơ
chắc chắn tôi không mơ gì khác ngoài hai chữ: Hòa bình.
Giấc mơ của tôi
là làm sao Việt Nam sẽ là một đất nước xứng đáng với tầm vóc dân tộc qua
bề dầy lịch sử mấy nghìn năm.Năm 1976, về nước đầu tư làm ăn, tôi không
chỉ mong muốn góp sức giải quyết công ăn việc làm cho người lao động mà còn cảm
thấy có trách nhiệm truyền đạt những “kinh nghiệm Nhật Bản” để đóng góp cho nền
kinh tế đất nước, với nguyện vọng là chiếc cầu nối giao lưu văn hóa giữa hai dân
tộc Nhật Bản - Việt Nam.
Dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng
tôi vẫn thích nghiên cứu sách viết về cuộc sống, về “tư duy kinh doanh Nhật
Bản”. Cuốn tự truyện này của ông Honda Soichiro sau khi dịch ra tiếng Việt đã
được đưa vào Tủ sách “Chân dung Nhật Bản” của Quỹ Văn hóa Quốc Tế Daido.
Bản lý lịch cuộc đời của ông Honda - người được Thời báo Kinh tế Nhật
Bản bình chọn là “ông thần kinh doanh” thứ hai trong các “Nhân vật kinh tế thế
kỷ XX của Nhật Bản” (năm 2000) - không chỉ là cuốn cẩm nang kinh doanh mà còn là
những bài học sâu sắc về nhân cách, ý chí, nghị lực của con người, nên tôi chọn
dịch để chia sẻ với độc giả nước nhà.
- Được biết, câu chuyện về cuộc
đời ông Honda Soichiro nằm trong chương trình “Những ẩn số Nhật
Bản”?
Đúng vậy. Càng sống lâu ở Nhật Bản, tôi càng hiểu sâu sắc nền
tảng của những phát triển thần kỳ ở xứ sở hoa anh đào chính là sự hợp lực từ
những con người bình dị nhất. Họ rất cầu tiến, có ý thức cộng đồng cao và đặc
biệt là rất ham muốn đóng góp một cách có trật tự cho sự phát triển của đất
nước.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn, tôi có suy nghĩ, một đất nước phát
triển phải xuất phát từ những con người cụ thể, là ẩn số của sự phát triển chứ
không phải chỉ dựa vào chính sách kế hoạch. Ông Honda Soichiro thể hiện rõ nét
là nhà kinh doanh lỗi lạc... “Ẩn số Nhật Bản” chính là những con người như ông
Honda, ông Matsushita, Toyota, Morishita...
Một đất nước muốn phát
triển bền vững phải có nền tảng văn hóa tinh thần phong phú. Trao đổi, giao lưu
văn hóa để học hỏi và phát triển là nhu cầu thiết yếu của mọi thời đại, mọi dân
tộc. Nhật Bản đã lấy điểm tựa văn hóa để phát triển kinh tế. Chúng ta cần tham
khảo điều tốt đẹp này. Tôi hy vọng cuốn sách sẽ góp được phần nhỏ bé vào quá
trình ấy.
- Ông bắt đầu có ý định dịch cuốn sách từ khi
nào?
Từ lâu, tôi có tham vọng giới thiệu với công chúng nước nhà một
tư duy sáng tạo mang tính điển hình trong giai đoạn phục hưng của Nhật Bản sau
chiến tranh. Ý định này càng trở thành quyết tâm khi cách đây hơn ba năm, tôi có
dịp thăm văn phòng làm việc trước đây của ông Honda Soichiro tại Tokyo.
Nhìn bức chân dung của ông Honda Soichiro - người anh hùng trong kinh
doanh, với nụ cười lạc quan đã truyền cho tôi một “sức mạnh”. Tôi đã chọn dịch
cuốn tự truyện về cuộc đời ông - một người xuất thân trong một gia đình nông dân
nghèo, ít được học hành, khởi nghiệp bằng công việc của người thợ nhưng bằng tài
năng và ý chí, đã thực hiện được giấc mơ tưởng chừng không bao giờ có thực: đưa
nền công nghiệp ôtô Nhật Bản lên đứng đầu Thế giới.
“Biến giấc mơ thành
sức mạnh đi tới” (xem thêm bài bên dưới) tiêu đề của cuốn sách cũng chính là tâm
niệm của tôi trong mọi hoạt động tại quê nhà để góp phần xây dựng một đất nước
Việt Nam phát triển thật sự, xứng đáng với tiềm năng, với ý chí và nghị lực quật
cường của dân tộc.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
Tuấn
Hoàng |