Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News
[ NICD-HOME | JAVITAN ]

Back



 

Thứ Tư, 17/08/2005, 08:59 (GMT+7)

Họp mặt kiều bào mừng 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9


7:53', 28/8/ 2005 (GMT+7)


GS-NGND-AHLĐ Trần Văn Giàu (thứ hai từ trái sang) gặp gỡ các kiều bào tại buổi họp mặt sáng 27-8. Ảnh: TR.T.

Hôm qua 27-8, hơn 200 kiều bào từ nhiều quốc gia trên thế giới đã tham dự buổi họp mặt mừng 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Trong số họ, có người là chuyên gia của Liên hợp quốc, có người đã xây dựng cơ ngơi trị giá hàng triệu USD với hàng ngàn công nhân…


Đến tham dự cuộc họp mặt có một vị khách đặc biệt từng vào tù ra khám với 12 năm bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc. 60 năm trước, vào ngày 23-9-1945, khi Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, ông là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ.

Ông chính là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu. “Tôi cũng là một Việt kiều nhưng sớm bị trục xuất về nước, hôm nay các anh các chị có mặt đông đủ tại đây, đã thể hiện một tinh thần yêu nước rồi. Nhưng tôi mong các anh các chị nhớ rằng, dân tộc ta đã từng đương đầu và chiến thắng những cuộc xâm lược mạnh nhất thế giới.

Chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Thắng lợi như vậy là do dân tộc ta có một truyền thống văn hóa tuyệt vời “bền gốc, bén rễ” và “nghĩa đồng bào”. Tức là chúng ta có một cái “gốc” to lớn vô cùng và “rễ” cắm sâu vô cùng vào lòng đất. Thế thì mình phải là chủ đất nước. Và tất cả chúng ta dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều cùng là “anh em một nhà”, vì chỉ Việt Nam mình mới có truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ” – GS Trần Văn Giàu xúc động nói.

Cũng chính vì cái “rễ” Việt Nam đã cắm sâu vào lòng đất quê hương nên sau gần 20 năm làm chuyên viên kinh tế phát triển và phụ trách công tác đào tạo cho Liên hợp quốc, năm 1993, TS Nguyễn Trí Dũng không ngần ngại xin nghỉ để đón nhận những thách thức mới tại quê nhà. “Nếu chỉ nghĩ cho cá nhân mình thì nói thật tôi không chọn giải pháp nghỉ việc ở Liên hợp quốc vì thời điểm những năm 1990, trở về còn nhiều gian nan lắm! Khi sống và học tập ở Nhật tôi luôn tự hỏi: Tại sao người ta làm được còn mình lại không?” – ông bộc bạch.

Tại buổi họp mặt, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã trao bằng khen của UBND TPHCM cho 6 kiều bào: Phan Thành (Canada), Nguyễn Trí Dũng (Nhật), Lê Trinh (Mỹ), Nguyễn Ngọc Mỹ (Úc), Nguyễn Chánh Khê (Mỹ), Đặng Lương Mô (Nhật) vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước và được bình chọn tham dự Đại hội thi đua TPHCM năm 2005.

Theo TS Nguyễn Trí Dũng, quan trọng là yếu tố con người. Hiện nay, trong khuôn viên 10.000m2 đất ở quận Tân Bình, ông chia làm 2 khu, một bên nhà xưởng sản xuất các linh kiện điện tử công nghệ cao, còn lại là trưng bày các sản phẩm văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Khi mời các nhà đầu tư đến đây họ sẽ thấy một bên là chúng tôi làm được những sản phẩm công nghệ cao, một bên là bề dày truyền thống dân tộc. Như thế mới chứng tỏ được năng lực của mình và đó cũng chính là sự góp sức của tôi để kêu gọi đầu tư của Nhật vào Việt Nam” – TS Nguyễn Trí Dũng thổ lộ.

Theo chị Lê Trinh, Giám đốc Công ty Tổ chức biễu diễn Babi những năm 1995-1996, nghề đào tạo và “cung cấp” người mẫu cho các triển lãm, hội chợ… chưa ai làm cả, trong khi người đẹp ở Việt Nam không thiếu. Do vậy, khi hoạt động ở lĩnh vực nhạy cảm này, nhiều người cho rằng tôi... buôn người. Nói thật lúc đó nước mắt cứ tự nhiên chảy dài” – chị Trinh nhớ lại. “Không lẽ mình bỏ cả cơ ngơi và cuộc sống ổn định bên kia về quê hương mà lại đi làm cái việc thất đức ấy. Để khỏi bị tiếng ra tiếng vào, cần phải chứng tỏ mình. Và đến hôm nay, tôi rất tự hào nói rằng mình đã được nhiều người biết đến là một trong những người đầu tiên khởi xướng việc đào tạo và giới thiệu người mẫu. Đó như là một hoạt động giới thiệu nét đẹp của đất nước ra thế giới” – chị khẳng định. Và chị quả quyết: “Chừng nào dòng máu Việt còn chảy trong huyết quản, chúng tôi còn nhớ về VN, còn thấy mình có bổn phận và trách nhiệm đối với đất nước”.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Úc), Giám đốc Công ty Vabis hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và TS Nguyễn Chánh Khê (Việt kiều Mỹ), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Khu công nghệ cao TPHCM đã cùng chung lý do trở về: “Mình đã thành công ở nước người thì sẽ phát triển tốt ở quê hương. Chúng tôi muốn chứng tỏ điều này để kêu gọi những anh em kiều bào khác cùng chung sức, đồng lòng xây dựng mảnh đất hình chữ S này”.

Xúc động trước những lời dặn dò chân tình của GS Trần Văn Giàu, ông Phan Thành (Việt kiều Canada), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều TPHCM bày tỏ như một lời hứa: “Những anh em Việt kiều hiện đang hoạt động kinh doanh trong nước quyết tâm đoàn kết để noi gương thế hệ kiều bào đi trước đã cống hiến cho Tổ quốc trong kháng chiến để giành độc lập tự do. Chúng tôi quyết giữ chiều sâu “gốc, rễ” của mình để thấm cái “nghĩa đồng bào” cùng góp tay xây dựng quê hương”.

TRẦN TOÀN

----------------------------

Source: Sài Gòn Giải Phóng online


Top