Buổi giao lưu văn hóa với tiêu đề “Giấc mơ Việt Nam, vươn tới đỉnh cao”
được diễn ra tại khu vườn Minh Trân vào chiều ngày 23/11/2009, trong một gian
phòng nằm dưới đáy của một ngôi nhà sàn dân tộc. Gian phòng hết sức đặc biệt
với kiểu cách cổ xưa, mộc mạc mà tiện nghi, được bao bọc bằng những tấm kính
trong veo, mà từ đó khi nhìn ra khu vườn, tôi có thể cảm nhận cái không gian
xanh tự nhiên của hoa lá, cái nét duyên văn hóa Việt Nam được công phu bài
trí khắp nơi. Tại đây, buổi giao lưu được chuẩn bị, dẫn dắt, trình bày hết
sức lôi cuốn bởi của hai thầy trò đã thành danh, thầy Nguyễn Trí Dũng - Giám
đốc Công ty Minh Trân và Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Chất lượng và
Khách hàng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Schneider Electric
của Đức.
Qua sự trình bày của hai thầy trò đặc biệt này, tôi và mọi người như được
tham gia vào một chuyến hành trình quay về tìm hiểu quá khứ lịch sử, trở về
nhìn rõ lại hiện tại, rồi bay vào thế giới tương lai. Ngoài những rung cảm
thích thú lạ kỳ, tôi nhận thức rằng đây không chỉ là một buổi giao lưu văn
hóa được tổ chức một cách trang trọng và thú vị, mà còn thể hiện bên trong
đó là những tấm lòng nhiệt tâm, yêu nước, muốn chia sẻ những lời nhắn nhủ
chân thành, thôi thúc mọi doanh nhân, doanh nghiệp hãy đoàn kết, chung tay
trên con đường thực hiện Giấc mơ Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm
châu.
Bước vào quá khứ bằng những thước phim lịch sử cách đây gần 100 năm, không
chỉ riêng tôi, mà có lẽ đối với tất cả thành viên tham dự, đây lần đầu tiên
được xem và đều cảm thấy hết sức xúc động. Hình ảnh Việt Nam năm xưa hiện
ra với cảnh đời sống người dân nghèo khổ, lạc hậu, nhưng ngẫm lại đến nay,
những cảnh tượng đó còn rất nhiều ở các vùng nông thôn, vùng ven, thậm chí
ngay trong các thành phố. Cũng tương tự như Việt Nam về sự lạc hậu, Nhật Bản
lại có tốc độ phát triển nhanh hơn và sớm trở thành cường quốc trên thế giới
về cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhật Bản là bài học điển hình cho cả thế giới,
nhưng bên cạnh đó, người Việt cần nhìn nhận thực tế rằng, về xuất phát điểm
của 2 nước là tương tự như nhau, tuy nhiên đến nay Việt Nam chưa làm được
như Nhật Bản. Người Việt cần tìm ra những thế mạnh và sự khác biệt của đất
nước, con người Việt Nam làm nền tảng cho sự phát triển nhanh hơn, bền vững
hơn của mình.
Từ hình ảnh quá khứ 100 năm trước trong lịch sử Việt Nam, thầy Trí Dũng,
anh Thái Hòa, hai thầy trò, một già một trẻ, đã chỉ ra cho tôi một điều thực
đáng trân trọng vô cùng. Một điểm khác biệt lớn của người Việt Nam là tâm
hồn Việt, một tâm hồn cao thượng với tính nhân bản cao, đã được thế giới biết
đến, ngưỡng mộ qua những tấm gương vĩ đại như chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng
Võ Nguyên Giáp cùng với những sự kiện chấn động địa cầu về một dân tộc Việt
Nam đánh thắng thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ; một dân tộc yêu
chuộng hòa bình, ngoan cường đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng vẫn cao thượng
tha thứ cho kẻ thù đã bại. Xa xưa hơn, tính nhân bản trong tâm hồn người Việt
còn được thể hiện đậm nét trong ca dao tục ngữ Việt Nam, ví như “Bầu ơi thương
lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Lá lành đùm lá rách”;
trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của ông cha, người Việt có truyền thống
yêu nước nồng nàn, bất khuất, đánh thắng mọi thế lực ngoại xâm mà vẫn khẳng
khái “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo”. Vâng,
thế hệ trẻ hôm nay cần tìm hiểu rõ và tự hào vì mình là người Việt Nam, là
con Lạc cháu Rồng. Tôi xúc động và nhận thấy mình như có ngọn lửa sục sôi,
thôi thúc với niềm tự hào dân tộc lớn lao.
“Tâm hồn Việt” được hai thầy trò Trí Dũng _ Thái Hòa gởi gắm đến tất cả quan
khách theo một cách nhìn nhận hay một quan điểm hết sức thấu đáo, muốn biết
cách yêu Việt Nam, thì hãy tìm hiểu để hiểu được cái hồn của Việt Nam, thấm
nhuần “tâm hồn Việt”. Thật là một thông điệp sâu xa, đồng thời là cũng chính
là một bài học lớn, mang tính lịch sử hết sức sâu sắc cho thế hệ trẻ Việt
Nam.
Rời quá khứ, tôi được quay về hiện tại với những chia sẻ của hai thầy trò
về thực trạng của Việt Nam sau 100 năm, vẫn nghèo và lạc hậu. Những giá trị
về văn hóa, “tâm hồn Việt” đang bị xói mòn bởi hệ quả của sự phát triển kinh
tế thiếu bền vững, không gắn liền được với sự phát triển giáo dục, văn hóa
và bảo vệ môi trường sinh thái. Thầy Trí Dũng đã chia sẻ rằng, làm kinh tế
hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam muốn thắng các nước trên thế giới thì phải
thắng bằng “văn hóa”, bằng “tâm hồn Việt”, cần đưa các yếu tố đó vào trong
doanh nghiệp để tạo nền tảng giá trị cho sự tồn tại, phát triển của doanh
nghiệp. Với thực trạng hiện tại, hai thầy trò đã đưa ra một thông điệp trọng
tâm, con đường phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp Việt
Nam là đoàn kết, xây dựng doanh nghiệp phải lấy yếu tố “kỹ Tây, hồn Việt”
làm trọng tâm, trong đó phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trung
gian trẻ thật sự vững mạnh, thấm nhuần yếu tố “kỹ Tây, hồn Việt” dựa trên
3 yếu tố nền tảng: Nhân sinh quan, Thế giới quan và Giá trị quan.
Mỗi người có thể nhận thức khác nhau về 3 yếu tố nền tảng này, nhưng với
riêng tôi, tôi đồng tình với quan điểm đó là cái kiềng ba chân cho thế hệ
trẻ Việt nam đứng vững của thầy Trí Dũng. Tôi còn nhớ nội dung ngắn gọn về
cái kiềng ba chân này. Đầu tiên, Nhân sinh quan tức là chỉ quan điểm sống
giữa con người với nhau, cách mà con người sống và cư xử với nhau, “anh phải
sống như thế nào đó, để tôi chịu làm điều này chỉ là vì một con người biết
sống như anh”. Thứ đến, Thế giới quan là chỉ quan điểm về mối quan hệ giữa
ta và thế giới xung quanh, với mọi người và vũ trụ quanh ta, “anh đang sống
trong một hệ thống và một mình anh chẳng làm được gì”. Và cuối cùng, Giá trị
quan tức là chỉ quan điểm về các giá trị, về thước đo giá trị cho sự quyết
định của con người, một người con quyết định bỏ công việc ở nước ngoài với
lương tháng hàng trăm nghìn USD để về nước, về nhà với cha mẹ để tranh thủ
thời gian cạnh kề, báo hiếu cho cha mẹ khi cha mẹ tuổi đã xế bóng.
Từ quá khứ, hiện tại, rồi tôi cũng được bay vào tương lai, nhưng tôi không
khỏi giật mình. Bằng những dẫn chứng về các kết quả nghiên cứu về hệ sinh
thái trái đất ở phía hai cực địa cầu, thầy Trí Dũng đã cho thấy rằng, môi
trường sống của con người đang bị thu hẹp với tốc độ nhanh đáng sợ. Băng tan
ở hai cực địa cầu tạo nên hiện tượng xâm thực thu hẹp đất liền, bồn điều hòa
nhiệt độ dưới lòng đại dương nằm phía hai cực địa cầu suy giảm, nhiệt độ trái
đất tăng cao, hệ sinh thái toàn cầu mất cân bằng khiến con người phải đối
mặt với thiên tai triền miên, khí hậu bất thường, mùa màng thất bát, con người
thiếu lương thực,... con người đang tác động làm trái đất thay đổi nhanh theo
chiều hướng hủy diệt môi trường sống của chính con người.
Người Việt Nam, mọi doanh nghiệp Việt Nam cần ý thức rõ hậu quả này sẽ là
không bền vững cho bất cứ sự phát triển nào nữa. Một bài học khác từ Nhật
Bản mà tương lai Việt Nam cũng sẽ mắc phải, đó là hậu quả bê tông hóa đô thị,
tạo nên những tầng khối bê tông nhanh mục nát theo thời gian, bê tông không
thể tái sử dụng, mà còn tạo nguy cơ cho môi trường sống của dân cư. Đó là
một thông điệp lớn, nhắn gởi đến mọi doanh nghiệp cần phải hết sức ý thức,
quan tâm, đoàn kết cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái Việt Nam, góp phần
bảo vệ môi trường sinh thái trái đất.
Cuối cùng, chuyến hành trình vượt thời gian đầy thú vị và ý nghĩa cũng đến lúc dừng lại với một điểm nhấn ấn tượng và quan trọng, đó là thông điệp về một chương trình hành động cụ thể nhằm đến hướng đến tương lai của sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Đó là chương trình “Giấc mơ Việt Nam, vươn tới đỉnh cao”, gợi lên con đường thực hiện giấc mơ doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu thế giới, và sự khởi động bước đầu đã được tiến hành với xuất phát điểm từ khu “vườn ươm Minh Trân”, sẽ đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý trung gian thấm nhuần “kỹ Tây, hồn Việt” cho doanh nghiệp Việt Nam.
Sau chuyến hành trình vượt thời gian và chuỗi những thông điệp sâu sắc được chia sẻ, tôi tin rằng, mọi người đã có những kế hoạch tham gia, đoàn kết chung tay từng bước xây dựng từ khu “vườn ươm Minh Trân” để thực hiện “Giấc mơ Việt Nam” từ đây.