Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News
[ NICD-HOME | JAVITAN ]

Back


MỘT BUỔI SINH HOẠT VĂN HÓA
THÚ VỊ VÀ BỔ ÍCH CHO DOANH NGHIỆP
TẠI "VƯỜN ƯƠM GIẤC MƠ VIỆT NAM" - MINH TRÂN

Lê Viết Dũng - Huesoft


Ngày 23.11 vừa qua, Công ty Minh Trân đã tổ chức một buổi giao lưu văn hóa doanh nghiệp rất thành công tại Khu vườn Minh Trân với các phần trình bày, thảo luận các vấn đề mà các doanh nghiệp đang quan tâm kết hợp với ăn tối và nghe nhạc. Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Công ty Minh Trân mong muốn sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu này dưới hình thức một Câu lạc bộ dành cho doanh nhân với tên gọi “Giấc mơ Việt Nam, vươn tới đỉnh cao”.

Tôi đã được nghe kể về các hoạt động hội thảo, đào tạo, sinh hoạt văn hóa của Công ty Minh Trân tại Khu vườn Minh Trân nhưng đến hôm nay mới thực sự được tham dự một buổi như vậy. Đầu tiên tôi rất ấn tượng về nơi tổ chức giao lưu là một hội trường nằm trong một ngôi nhà sàn dân tộc đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi nhìn ra khu vườn Minh Trân với rất nhiều cây xanh và các khối không gian được sắp đặt hết sức thanh thoát. Tiếp theo, tôi hết sức thú vị về các nội dung được tổ chức và đan xen rất khéo của buổi giao lưu. Chắc hẳn nhiều người tham dự hôm đó đã có một đêm ngủ đầy suy tư về tương lai và thôi thúc phải phối hợp với nhau làm một điều gì đó có ý nghĩa từ gợi ý của buổi giao lưu này.

Các diễn giả chính là Anh Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Công ty Minh Trân và Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chất lượng và Khách hàng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Schneider Electric của Đức. Anh Dũng trước đây là chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc và Nhật Bản, hiện nay là một Việt kiều Nhật thành công trong kinh doanh và trong các hoạt động văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt có nhiều công lao trong việc nối kết kinh tế-văn hóa Việt Nam và kinh tế-văn hóa Nhật Bản, một lĩnh vực mà anh rất am tường. Anh Hòa là một chuyên gia trẻ về chất lượng, có quan hệ rộng với giới doanh nhân và nghệ sĩ, có nhiều kinh nghiệm về các hoạt động quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam. Anh Hòa còn là một người của âm nhạc, một người rất yêu Nhạc Trịnh Công Sơn, đã quyết tâm mỗi năm tự phát hành một đĩa CD nhạc Trịnh cho đến khi hát hết tất cả các bài mà Trịnh tiên sinh đã sáng tác.

Các anh, tự nhận là một già một trẻ, đã phối hợp rất ăn ý để mang đến cho người nghe một cách nhìn không phải là quá mới nhưng rất sinh động và lôi cuốn về thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thông qua các tri thức mà các anh rất am hiểu, đó là so sánh hoạt động kinh doanh của Việt Nam và Nhật Bản và nêu sự cần thiết của các hoạt động tạo ra chất lượng trong kinh doanh.

Trong phần trình bày cuối, các anh đã lôi cuốn và dẫn dắt người nghe tham gia vào ý tưởng xây dựng một nhóm doanh nhân và chuyên gia thường xuyên thảo luận và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh trong thời đại kinh tế tri thức. Các kinh nghiệm này cần được đúc kết để hình thành một triết lý kinh doanh chung của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm đưa Việt Nam đạt đỉnh cao của thế giới. Các anh dự định sẽ thực hiện ý tưởng của mình thông qua một Câu lạc bộ doanh nhân mang tên “Giấc mơ Việt Nam, vươn tới đỉnh cao”. Các khẩu hiệu hành động được đề nghị là “Bám lấy truyền thống, tiến lên hiện đại”, “Kỹ tây, Hồn ta (WestTech, VietSoul)”. Các phần trình bày của các anh vừa có lý luận vừa có câu chuyện minh họa thông qua các đoạn phim hay hình ảnh người thực việc thực cho nên rất lôi cuốn. Tôi rất nhớ trong buổi trình bày đã có chiếu hai đoạn phim kể về xã hội Việt Nam và xã hội Nhật Bản cách đây một trăm năm. Không có thuyết minh nhưng người xem cảm nhận ngay rằng thực tế chủ quan và khách quan, trong đó có chiến tranh, đã làm Việt Nam phát triển rất chậm so với thế giới. Trong phim, những hình ảnh về cảnh sắc và con người Việt Nam ngày xưa vẫn còn được nhìn thấy phảng phất đâu đó của ngày hôm nay. Trong khi đó, đoạn phim về xã hội Nhật Bản đầu thế kỷ 20 đã tạo được ấn tượng về một sự chuyển đổi thần kỳ khi các hình ảnh ngày xưa và hiện thực hôm nay của họ khác nhau rất xa.

Trong buổi giải lao, các khách mời được chủ nhân hướng dẫn đi thăm ngôi vườn và các ngôi nhà cổ rất ấn tượng do mình tự thiết kế và sắp đặt qua bao năm tháng với ước mong có được một nơi làm việc xen lẫn nghỉ ngơi đơn giản phù hợp với tâm hồn Việt Nam nhưng tiện nghi trong sinh hoạt. Ngôi vườn này là một minh chứng cho các ý tưởng của các diễn giả về việc kết hợp giữa kinh doanh và văn hóa, giữa công việc và sự thư giãn. Trong tương lai khu vườn này sẽ là nơi sinh hoạt định kỳ của các doanh nhân để cùng tìm hiểu, trao đổi, thảo luận các vấn đề phát triển doanh nghiệp hướng về một thương hiệu Việt Nam.

Sau phần ăn tối rất thân tình và ấm cúng, mọi người có dịp thưởng thức một đêm nhạc Trịnh Công Sơn do Nguyễn Hữu Thái Hòa đạo diễn và những người yêu Nhạc Trịnh thể hiện. Các ca sĩ không có ai chuyên nghiệp mà phần lớn là các giám đốc các doanh nghiệp thành đạt. Các anh chị đã hát rất hay và hầu hết đã thả hồn theo cảm xúc âm nhạc và triết lý của Trịnh Công Sơn. Người nghe cũng đắm mình vào dòng nhạc Trịnh, tâm trí bâng khuâng, trăn trở theo các ca từ về nhân sinh, về thân phận con người.


Ông Nguyễn Trí Dũng và Henry Nguyễn Hữu Thái Hòa
tại buổi sinh hoạt giao lưu ngày 23 vừa qua
Khó có thể diễn đạt thành lời cảm xúc của tôi và các khán giả khac của buổi giao lưu hôm đó. Rất nhiều người đã không kìm được việc bày tỏ cảm xúc trong phần trao đổi, thảo luận. Các giám đốc doanh nghiệp bận bịu với hàng trăm công việc, đầu óc luôn đầy rẫy các con số, mà không phải là lúc nào cũng dễ chịu, cần những phút giây lắng đọng, ngẫm nghĩ và cũng thư giãn như thế này. Với buổi gặp đầu tiên rất ấn tượng, tôi tin rằng những buổi giao lưu sắp tới của Câu lạc bộ tương lai sẽ đạt được điều mong đợi là gắn kết các doanh nhân lại để có cùng một mục tiêu hành động cho sự phát triển của doanh nghiệp của mình trong một thương hiệu Việt Nam. Mục tiêu hành động đó phải chăng được dẫn dắt bởi một triết lý nhất quán do các diễn giả đề nghị là phát huy tích cực các thế mạnh của phẩm chất con người Việt Nam trong quá khứ, đặc biệt là lòng quyết tâm, tính kiên trì, sự sáng tạo đã được thể hiện trong chiến tranh vào các hoạt động kinh doanh hiện nay để tạo nên các bước đột phá, thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển của mình so với thế giới .
Top