Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News
[ NICD-HOME | JAVITAN ]

Back


Một góc đẹp của Giấc mơ Việt Nam
Sân chơi văn hóa Vườn Minh Trân


Cuộc họp mặt đầu Xuân Canh Dần chiều mồng 10 Tết tại Vườn Minh Trân theo lời mời thân ái của anh Nguyễn Trí Dũng đã diễn ra vui vẻ, hồn nhiên giữa những người bạn bè đến từ nhiều chân trời nghề nghiệp, vùng miền khác nhau. Dường như không có một ai là không lên tiếng, ít nhất cũng một lần. Những gợi mở chân tình và thông tuệ của Nguyễn Trí Dũng, đã nhóm thêm ngọn lửa đam mê hướng tới khát vọng góp phần đưa Việt Nam vươn tới đỉnh cao. Vào cuối buổi, Nguyễn Quang Vinh, nhà xã hội học, đã có vài nhận xét theo cách của riêng anh, về cái khu vườn văn hóa tuyệt vời ấy:


Ông Nguyễn Quang Vinh
- Nhà xã hội học
"Mọi người đều nói đến “Giấc mơ Việt Nam” theo cách của mình, và gợi ra những giải pháp mà mình đã ấp ủ hoặc đã trải nghiệm. Kỳ lạ thay, bất cứ một giải pháp nào cũng mang nặng một tải trọng văn hóa độc đáo. Thấm đẫm trong những lời phát biểu chẳng những là tràn đầy các khát vọng muốn vươn tới đỉnh cao trên các lĩnh vực, mà còn là một tình yêu và một niềm tin vào tiềm năng đi xa hơn nữa của đất nước Việt Nam thân yêu.

... Vậy thì, đây phải chăng cũng có thể là một chủ đề để trao đổi, vận dụng giữa những thân hữu Vườn Minh Trân trong thời gian tới? ....Vườn Minh Trân là một sân chơi văn hóa tao nhã mà thiết thực ..."

“….Thực ra, từ đầu giờ chiều đến giờ, tôi chưa nói một lời nào. Linh cảm của một người nghiên cứu xã hội học mách bảo tôi rằng: hãy nhân cơ hội rất tự nhiên, hồn nhiên này mà thử quan sát- lùi xa ra một chút để quan sát- cuộc trao đổi thú vị này như quan sát một hiện tượng xã hội…Để ý một chút thì thấy từ trong tất cả các khác biệt ý kiến của mọi người, vẫn thấy nổi lên một chủ đề xuyên suốt: đó là cuộc đi tìm bí mật sức mạnh văn hóa ẩn sau những thành công kinh tế! Mọi người đều nói đến “Giấc mơ Việt Nam” theo cách của mình, và gợi ra những giải pháp mà mình đã ấp ủ hoặc đã trải nghiệm. Kỳ lạ thay, bất cứ một giải pháp nào cũng mang nặng một tải trọng văn hóa độc đáo. Thấm đẫm trong những lời phát biểu chẳng những là tràn đầy các khát vọng muốn vươn tới đỉnh cao trên các lĩnh vực, mà còn là một tình yêu và một niềm tin vào tiềm năng đi xa hơn nữa của đất nước Việt Nam thân yêu.

Sự phát triển của đất nước có nguồn gốc từ những chuyển động tích cực của cơ cấu xã hội- điều mà ta đã và đang chứng kiến. Chỉ có điều, sự vận động ấy không phải nơi nào và lúc nào cũng giống như nhau. Có một quy luật thú vị là trong làn sóng chuyển động miên man ấy luôn luôn có những điểm trồi, làm nên sức mạnh của các nhóm tiên phong trong cơ cấu xã hội ấy. Vậy thì tại sao ta không thể coi những cuộc va chạm ý kiến đầy màu sắc trí tuệ này ở Vườn Minh Trân như là một biểu hiện của hiện tượng điểm trồi lý thú ấy?

Hồi đầu giờ, ông Tổng Lãnh sự Nhật Bản có một nhận xét là trong những năm gần đây, cứ mỗi lần đến Vườn Minh Trân ông đều thấy nó có thêm nhiều nét rất mới. Tôi chia sẻ với nhận xét của nhà ngoại giao Nhật Bản. Nhưng tôi muốn nói thêm điều mà tôi cho là còn quan trọng hơn nữa là: nếu như những thay đổi bên ngoài là một, thì những cách tân trong ý tưởng của chủ nhân Vườn Minh Trân phải nói là mười. Có thể ví Vườn Minh Trân là nơi nâng đỡ và vun trồng các ý tưởng sáng tạo cho sự phát triển đất nước. Những ý tưởng sáng tạo ấy luôn luôn được thúc đẩy bằng niềm tin vào những khả năng bứt phá về văn hóa và kinh tế-xã hội của Việt Nam, dựa trên cơ sở những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tham khảo những bài học của văn hóa bốn phương.

Anh Dũng, chủ nhân Vườn Minh Trân, là người yêu mến văn hóa Việt Nam, đồng thời lại có những trải nghiệm để thâu thái những bài học hay của đất nước Nhật Bản. Anh là người có thể cùng chúng ta khám phá những bí mật của nền văn hóa Nhật Bản đứng sau những thần kỳ kinh tế của đất nước ấy. Trong những năm gần đây, khi nghiên cứu về văn hóa kinh doanh, bản thân tôi cũng có dịp tiếp cận với chiếc thìa khóa vàng của công cuộc Duy Tân Nhật Bản. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa “kỹ thuật phương Tây và linh hồn Nhật Bản” (Western Technology and the Japanese Ethos). Tôi còn nhớ, có lần đã đọc một cuốn sách nói về văn hóa và lối sống của người Nhật Bản. Hình như có một chương đã có cái tên “Từ cây bonsai đến chiếc quần Jean’s”. Rõ ràng là người Nhật đã phải đứng trước thách thức về sự kết hợp giữa cái truyền thống và cái hiện đại. Dường như họ đã có thể tìm ra mô thức dàn xếp giữa những đối cực ấy cho một cuộc sống đương đại toàn vẹn và không ngừng biến đổi, dù phải trải qua không ít mâu thuẫn và nghịch lý. Vậy thì, đây phải chăng cũng có thể là một chủ đề để trao đổi, vận dụng giữa những thân hữu Vườn Minh Trân trong thời gian tới? Anh Dũng ban nãy chẳng đã từng nói tới cái ý “Kỹ Tây, Hồn Ta” đó sao?

Vườn Minh Trân là một sân chơi văn hóa tao nhã mà thiết thực. Nó còn nhiều tiềm năng để phát triển, nếu các thân hữu chúng ta mong muốn và chân tình nhập cuộc. Và, vào một buổi chiều đầu Xuân đầm ấm như thế này, nói đến bí mật sức sống văn hóa đứng sau những thành công kinh tế tương lai của đất nước, chẳng làm cho cuộc đời chúng ta càng thêm đáng sống hay sao, thưa các anh và các chị?”

Nguyễn Quang Vinh
(Nhà xã hội học. Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ)

Top