HOME  

We are ready to support
Economic and Cultural Cooperation with Vietnam



BACK...

Chương trình đào tạo bồi dưỡng
“HỘI NHẬP KINH TẾ - THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ”
và giới thiệu thành lập
"TRUNG TÂM TƯ VẤN LIÊN KẾT KHOA HỌC CÔNG NGHỆ"
Vườn Minh Trân 26/05/ 2011


Thời báo KTSG 2.6.2011

 

Với mục đích giới thiệu hướng đi và thu thập ý kiến để thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế đối với các doanh nghiệp, doanh nhân, chiều 26/05/2011 Công ty Minh Trân - Trường Doanh Thương Trí Dũng phối hợp với ITPC (Trung tâm Xúc tiến Thương Mại & Đầu Tư Tp. HCM) tổ chức sinh hoạt giao lưu về đề tài: “Hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế”.

Đây là buổi giao lưu có quy mô vừa nhưng được các đại biểu đánh giá rất cao về nội dung, ý nghĩa mang lại cho định hướng phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai. Tham dự chương trình có các chuyên gia lâu năm làm việc trong lĩnh vực kinh tế - thương mại của Việt Nam, Nhật Bản cùng nhiều đại diện doanh nghiệp, đoàn thể cá nhân quan tâm…

 

Nội dung buổi giới thiệu

Sinh hoạt giao lưu tại vườn Minh Trân

Giám đốc Công ty Minh Trân, Ông Nguyễn Trí Dũng trình bày đề cương “Suy nghĩ về con đường phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập 2011” và giới thiệu việc thành lập “Trung tâm tư vấn liên kết khoa học công nghệ” của Công ty Minh Trân và Trường Doanh Thương Trí Dũng.

Từ khi gia nhập WTO (năm 2007), nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới với hàng loạt cam kết đã bắt đầu thực hiện, mang lại nhiều thuận lợi cho hoạt động thương mại nói chung và xuất khẩu nói riêng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự nắm rõ về WTO, quyền được sử dụng các cơ hội, biện pháp và kỹ năng cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do hoạt động bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về WTO chưa đáp ứng nhu cầu cụ thể, bức thiết của doanh nghiệp, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu văn bản pháp lí, các kiến thức chung quá tổng quát thiếu giải pháp cụ thể.







Giám đốc ITPC (Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tp.HCM), Ông Từ Minh Thiện đã giới thiệu sơ lược chức năng, phương hướng hoạt động của Trung tâm. ITPC đã, đang và sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số nước như: Lào, Campuchia, Mianma, Mỹ, Nhật, EU… bằng cách đẩy mạnh hoạt động quảng bá trên truyền hình, phát thanh, hỗ trợ xây dựng các trung tâm phân phối… Một trong những thành quả đạt được là hiện nay hàng hóa Việt Nam đang đứng thứ nhì trên thị trường Campuchia. Ông nhấn mạnh, Nhật Bản là thị trường quan trọng mà Việt Nam đang hướng tới nhằm thu hút đầu tư trên lĩnh vực công nghệ cao và hợp tác xuất khẩu. Điểm yếu của thị trường Việt Nam lúc này là vấn đề công nghệ, thị trường, tư duy trong kinh doanh. Ông cho rằng, để có động lực phát triển đất nước cần phải có lòng tự hào dân tộc, biết so sánh điểm yếu của Việt Nam với thị trường thế giới. Trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ có động cơ hành động rõ ràng trong việc phối hợp với Trường Doanh Thương Trí Dũng mở rộng một số hoạt động liên quan đến huấn luyện, thiết kế sản phẩm để huy động được nguồn nhân lực đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới.





Ông Bùi Việt Cường - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế (Hội Luật gia Việt Nam) đã giới thiệu chương trình đào tạo bồi dưỡng: “Hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế” . Theo ông, trên con đường hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế, Việt Nam cần lưu ý tới năm yếu tố chính thể hiện bằng “5 chữ C” sau:

1- Con người: “Nguyên tắc” mở cửa hội nhập quốc tế của Việt Nam đã manh nha từ bức thư năm 1946 của Bác Hồ, chứng tỏ khả năng nắm bắt tương lai của các bậc tiền bối trên lĩnh vực hợp tác với nước ngoài. Trên con đường hội nhập Việt Nam tuy thành công trên nhiều lĩnh vực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng. Vì thế việc trang bị kiến thức WTO đến mọi tầng lớp, đặc biệt các doanh nhân, doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.

2- Có lợi: Phải đảm bảo lợi ích cộng đồng, xã hội vì đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công.

3- Cam kết: Gia nhập WTO là sự kiện trọng đại đánh dấu bước ngoặt mới cho nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, nước ta đã hoàn chỉnh hệ thống luật pháp để tương thích hơn với cơ chế chung của WTO. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú ý hơn tới vấn đề cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm khi hợp tác xuất khẩu. Cần vận động, giúp các doanh nghiệp nắm rõ luật thương mại, thực hiện đúng cam kết quyền lợi, chủ động tạo và nắm bắt cơ hội hợp tác với các nước.

4- Cạnh tranh: “Thương trường là chiến trường” vì thế các doanh nghiệp cần có kiến thức, kỹ năng quản lý tương lai, tư duy nâng cao chất xám cho từng sản phẩm để cạnh tranh trên thế giới.

5- Con đường hội nhập: Cho đến nay, số nước xin gia nhập WTO ngày càng tăng vì lợi ích thời đại hội nhập. Tuy còn nhiều thách thức, các doanh nghiệp cần lạc quan nắm bắt, quyết định đúng thời cơ đưa đất nước tiến lên thời đại mới – thời đại của Khoa học kỹ thuật và hội nhập kinh tế.







Đại diện Tổ chức JETRO (Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản) chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với người Nhật Bản.
Là người từng làm việc lâu năm tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Nhật an tâm đến Việt Nam đầu tư, Ông Yoshida chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam những vấn đề rất cụ thể, thẳng thắn và sâu sắc về 2 nội dung chính là:

1- Người Việt Nam làm ăn với người Nhật nên như thế nào? Ngược lại, người Nhật đến làm ăn thì Việt Nam nên suy nghĩ và hành động như thế nào?

2- Về phương thức làm ăn với doanh nghiệp Nhật, người Việt Nam nên chú ý những vấn đề gì?





Ý kiến của khách tham dự


1- Ông Đoàn Ngọc Thanh - Hội đồng Kinh tế Bộ Công thương tỏ ra rất ngạc nhiên, thú vị được tham dự buổi sinh hoạt với đề tài lớn do một công ty đứng ra chủ trì và đề nghị nên nhân rộng hình thức tổ chức buổi sinh hoạt giao lưu này nhiều nơi. Ông nhận xét, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang phát triển đáng mừng (chiếm 70% GDP), nhưng ta đã nhập khẩu để nuôi xuất khẩu, hàm lượng chất xám trong sản phẩm chưa cao. (Ví dụ: Cà phê Việt Nam bán ra với giá cao nhất là 1,8 USD/1kg. Nhưng các hãng cà phê của Thụy Sỹ, Mỹ, Đức nhập khẩu về bán với giá 76 USD/1kg cà phê bột. Nguyên nhân do Việt Nam mới có thuận lợi là đất và nhân lực canh tác cà phê, còn lại chúng ta còn yếu về vốn, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến cà phê chất lượng cao). Vì vậy, muốn làm kinh tế - thương mại cần có hai yếu tố chính là văn hóa và tư duy sáng tạo. Qua kinh nghiệm thực tế tìm thị trường xuất khẩu cà phê Việt Nam trong thời kỳ công tác tại Thụy Điển, ông cho biết đây là nước có khí hậu lạnh, thường tổ chức nhiều lễ hội lớn đón mùa hè rất hoành tráng nên uống cà phê để chống lạnh và mừng lễ là tập quán. (Tại Thụy Điển, trừ người già, trẻ con, số dân uống cà phê là 20 triệu người. Bình quân một người dân tiêu thụ 3kg cà phê bột/1 tháng, tức là nước này tiêu thụ 60 triệu kg cà phê bột/tháng. Tần số sử dụng cà phê trung bình của 1 người là 6 lần/ngày). Sau khi giới thiệu và pha cà phê theo cách Việt Nam để mời họ uống, họ ngỏ ý muốn nhập khẩu cà phê từ Việt Nam. Tuy nhiên thời điểm đó Việt Nam không thể xuất khẩu cà phê sang Thụy Điển được vì không đáp ứng được ba yêu cầu của bạn hàng đặt ra là: đảm bảo chất lượng không thay đổi, hợp đồng cung cấp cà phê tối thiểu 15 năm, phải giao hàng đúng hạn.

2 – Ông Mai Xuân Thiệu – nguyên Tổng Giám đốc Công ty Liên Doanh Bông Sen cũng nhấn mạnh tới yếu tố văn hóa trong kinh doanh. Ông cho rằng, làm việc với người Nhật rất khó, nên việc tổ chức những buổi giao lưu có cả người Nhật sẽ giúp hai bên có sự hòa hợp, hiểu biết nền văn hóa và tạo cơ hội hợp tác làm ăn. Với kinh nghiệm hợp tác làm ăn với hơn hai trăm khách hàng trong và ngoài nước ông chia sẻ, muốn hội nhập quốc tế phải có vốn, công nghệ tiên tiến và nghệ thuật “dụ” (khả năng thuyết phục) đối tác. Vì thế, các lớp đào tạo, bồi dưỡng kinh tế - thương mại sẽ giúp cho doanh nhân, doanh nghiệp hiểu hơn về các quy định và biết cách làm như thế nào để hội nhập, suy nghĩ những phương án khả thi để xây dựng công ty phát triển.

3- Ông Nguyễn Chơn Trung – Nguyên Trưởng Ban các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mở cửa là một phương thức ứng xử rất văn hóa. Kinh nghiệm công tác khi tiếp xúc với nhà đầu tư Nhật cho thấy, cần phải hiểu về văn hóa, có trình độ chính trị, ngoại ngữ và thái độ khẳng định dứt khoát khi làm việc vì đàm phán với câu chuyện suôn sẻ sẽ dễ thuyết phục được đối tác. Hiện nay, chế độ mở cửa của Việt Nam còn nhiều lúng túng, nếu thực hiện chế độ mở cửa tốt trong toàn bộ hệ thống hành chính thì sẽ tạo ra môi trường và tư thế đầu tư, hội nhập tốt cho nền kinh tế.

 

 

Sinh hoạt giao lưu này đã giới thiệu về công nghệ chế biến thực phẩm đông lạnh khô của Nhật Bản.
Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm phong phú có giá trị xuất khẩu cao. Vì thế, chúng ta nên chú ý tận dụng sản phẩm nông nghiệp để chế biến chúng thành những lương thực - thực phẩm tiện sử dụng, có thể bảo quản lâu nhưng vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe nhờ công nghệ chế biến thực phẩm “đông lạnh khô” từ Nhật Bản. Các sản phẩm này phù hợp hơn khi sử dụng cho người già và trẻ em.





Cơm tối thân mật và chúc mừng sinh nhật Ông Từ Minh Thiện








Other news
BACK...

NETWORK OF INTERNATIONAL COOPERATION FOR DEVELOPMENT
3-24-62 SHIRAKABE HIGASHI-KU, TWINS SHIRAKABE 506, NAGOYA 461-0011 JAPAN
Tel 81-52-932-3676 FAX052-937-8525 E-mail
: