Tôi muốn bắt đầu câu chuyện nhà phố Việt Nam bằng truyện về lão nhà giàu mà tôi được học ở cấp II, một truyện ngắn mà không ngờ có nhiều thứ liên quan đến nhà phố của Việt Nam đến như vậy.
Truyện kể rằng ngày xưa có một lão nhà giàu có rất nhiều của cải, lão sợ người ta vào ăn trộm mất nên xây một ngôi nhà thật chắc chắn kiên cố hầu như không có cửa sổ. Nhưng đến một thời gian, lão thấy vợ con bị bệnh, da dẻ vàng vọt. Lão cho vợ con đi chữa nhiều nơi, uống nhiều thuốc nhưng không khỏi. Đến một hôm có người mách lão mở thêm một số cửa sổ của ngôi nhà, lão làm theo và vợ con lão không uống thuốc thang gì bệnh tật cũng tự nhiên biến mất.
Nếu bạn chịu khó để ý nhìn ngắm những chiếc nhà ống hiện nay ở nước ta thì rất nhiều ngôi nhà có cấu trúc giống như nhà của lão nhà giàu kể trên. Tôi có đi dọc các tuyến phố chính hoặc trong các ngõ hẻm các thành phố lớn ở nước ta thì có nhận xét chung là các nhà phố thường xây rất cao từ 4 đến 5 tầng. Với một diện tích hẹp, xung quanh lại không có không gian phân cách giữa các nhà với nhau thì hiển nhiên tầng1, 2 thậm chí tầng 3 hầu như không có ánh sáng lọt vào. Gió trong nhà cũng hết sức bí. Nhiều nhà lại đặt bếp ở tầng 1 hoặc tầng 2, khi nấu thức ăn, không khí độc hại không thoát ra ngoài được, tích tụ đâu đó trong nhà. Như vậy về mặt vệ sinh sức khỏe, các ngôi nhà ống không khác gì như những nhà tù mà lão nhà giàu đã giam nhốt vợ con mình bên trong.
Xin lấy ví dụ về luật kiến trúc của Nhật Bản để so sánh. Ở Nhật, các phòng có người ở phải mở cửa sổ với diện tích không ít hơn 1/7 diện tích phòng đó. Ngoài ra, khi xây nhà thì phải lùi lại ít nhất 60cm kể từ biên giới nhà mình. Như vậy, với các điều kiện đó, các ngôi nhà ở Nhật đảm bảo cho người trong phòng được tiếp xúc với nguồn ánh sáng cần thiết và luồng không khí thoáng đãng.
Ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy ông cha ta ngày xưa đã có những ngôi nhà hết sức thoáng đãng và giàu ánh sáng như những ngôi nhà cổ ở Hội An. Các ngôi nhà cổ ở đây có chiều cao thích hợp với diện tích của nó (thông thường là 1-2 tầng) như vậy ánh sáng có thể vào tới các phòng. Ở giữa sân có giếng trời, các nhà thường không xây sát vào nhau mà để lại một khoảng trống cần thiết (thông thường từ 0.5~1m) để thông gió. Đó là những kinh nghiệm hết sức quý báu cho việc thiết kế và xây dựng nhà cửa ở Việt Nam.
Thế nhưng các ngôi nhà phố đang mọc lên hàng ngày ở các thành phố của chúng ta đã bỏ qua những yếu tố về ánh sáng, gió sự thông thoáng, những yếu tố tối quan trọng cho việc bảo vệ giữ gìn sức khỏe cho người chủ của nó. Tôi có nghe nhiều người giải thích rằng vì muốn có nhiều diện tích nên người chủ nhà lúc nào cũng muốn làm cho hết đất. Ngoài ra còn có một yếu tố tâm lý nữa là nhiều người vẫn coi sự cao to của ngôi nhà- mặc dù nhiều khi không sử dụng hết- như là cái để thể hiện với người khác về sự giàu sang của mình. Những lúc như thế tôi mong chúng ta hãy bình tĩnh nhớ lại câu chuyện về lão nhà giàu mà ông cha ta đã hàm ý nhắn nhủ từ xa xưa.
Phần 1 - NHÀ PHỐ VIỆT NAM VÀ TRUYỆN LÃO NHÀ GIÀU
Phần 2 - NHÀ PHỐ VIỆT NAM VÀ LỐI SỐNG HIỆN ĐẠI