Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News

Back
Honda Soichiro – Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới (*)
Bài 2: Từ chú tiểu thành vị thánh
SGGP:: Cập nhật ngày 02/01/2007 lúc 17:29'(GMT+7)

Từ nhỏ tôi luôn ao ước được làm việc ở xưởng sửa chữa xe ô tô nên cái tên “Thương hội Ato” đối với tôi rất thu hút. Sau khi gửi thư xin làm thợ học việc ở đây, chẳng bao lâu tôi nhận được thư mời lên Tokyo thử việc.

Lồng ngực tôi như vỡ tan vì giấc mơ ấp ủ từ lâu nay đã thành sự thật. Mẹ tôi không tán thành lắm việc con trai trưởng rời xa gia đình nhưng cha tôi lại đồng ý. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi theo cha đi xe lửa từ Hamamatsu lên Tokyo, hành lý vỏn vẹn chỉ có một túi xách trên vai, đó là mùa xuân năm Đại Chính 11 (1922).

“Cậu nhỏ giúp việc”

“Thương hội Ato” ở phường 5 phố Hongo - Yushima (Tokyo). Cha tôi sau khi gửi gắm tôi cho người chủ tên Sakakibara Yuzo, yên tâm về quê ngay. Như vậy, tôi đã trở thành cậu giúp việc ở xưởng sửa chữa ô tô. Thế nhưng thực tế hoàn toàn khác với giấc mơ mà tôi hằng ôm ấp.

Thời học việc tại Thương hội Ato, sau thiên tai động đất vùng Kanto (Tokyo), Honda lái xe mô tô chạy qua ruộng đồng bị cháy rụi của Tokyo để sửa chữa xe.

Hết ngày này qua ngày khác tôi chỉ làm cái việc bồng bế, trông nom đứa nhỏ, con ông chủ. Thất vọng và buồn tủi, mấy lần tôi định thu xếp hành lý, đu dây thừng từ tầng một xuống trốn đi nhưng nghĩ đến nét mặt giận dữ của cha và gương mặt mẹ khóc tủi phận ở quê nhà, tôi lại chùn chân.

Ngày tháng cứ thế trôi qua khoảng nửa năm. Một ngày nọ, ông chủ lớn tiếng gọi: “Này cậu nhỏ, bỏ em đấy đến đây giúp tôi một tay”. Lúc đó, tôi thật sự sung sướngï. Đó là một ngày tuyết rơi rất lạnh nhưng tôi như không biết cái lạnh là gì, trải ngay chiếu lót, chui vào gầm xe dưới mưa rơi để sửa đường dây bị đứt bên trong. Đó là lần đầu tiên tôi sửa xe.

Suốt đời có lẽ tôi không thể nào quên được cảm giác này. Từ đó, ít nhiều ông chủ cũng thấy được khả năng của tôi nên tôi bớt phải trông em và làm nhiều việc như những người thợ khác. Sau này nghĩ lại, tôi hiểu ra nửa năm nhẫn nhục bồng bế em bé lại là một việc có ý nghĩa rất tốt. Mỗi khi nhớ lại niềm vui và nỗi khổ lúc đó, tôi luôn quyết tâm vượt qua mọi nghịch cảnh đắng cay trước mắt.

Tính ra, tôi làm “cậu nhỏ giúp việc” khoảng một năm rưỡi. Đến tháng 9-1923, một trận động đất lớn đã xảy ra tại vùng Kanto. Vì trận động đất này, Thương hội Ato bị cháy nên tôi theo cả nhà ông chủ dời đến dưới gầm cầu gần nhà ga Kanda. Mười mấy người thợ của xưởng đã về quê gần hết, chỉ còn tôi và một người thợ đàn anh ở lại với gia đình ông chủ. Ông chủ tôi bắt đầu nhận sửa chữa nhiều xe ô tô bị cháy hư hỏng ở xưởng Shibaura. Kể ra việc học được kỹ thuật sửa chữa xe của tôi tất cả là nhờ có trận động đất này.

Chuyến đi nhớ đời

Tôi làm việc ở Thương hội Ato liên tục khoảng sáu năm. Quãng thời gian đó còn để lại trong tôi nhiều câu chuyện tranh đua, chuyện thất bại buồn vui lẫn lộn!        

Xuất thân từ một gia đình thợ rèn, có duyên với máy móc, lại thích lăn lộn với máy móc nên khi có cơ hội được học sửa xe ô tô tôi nắm bắt kỹ thuật rất nhanh và tiến bộ rõ rệt. Ông chủ có lẽ cũng nhận ra tôi là thợ sửa chữa được việc nên từng bước cho tôi cơ hội đi công tác bên ngoài.

Năm 18 tuổi, tôi được lệnh của ông chủ đi công tác ở tỉnh Morioka để sửa xe cứu hỏa. Về tuổi tác tôi vẫn còn trẻ nhưng sự kiện này đã chứng minh năng lực của tôi. Với tình cảm rộn ràng vui sướng, tôi lên xe lửa đến tỉnh Morioka xa xôi. Vừa đến nơi, tôi nhận thấy mọi người tại đây, kể cả người đội trưởng cứu hỏa, tiếp tôi với nét mặt nghi ngờ, thắc mắc như có suy nghĩ: “Cậu nhỏ như thế này thì làm được gì đây!”.

Vì xem tôi chỉ là cậu bé giúp việc nên họ xếp cho tôi ở bên cạnh phòng cô hầu gái. Khi thấy tôi lần lượt tháo tung máy ra, họ lo lắng không biết tôi có phá hỏng xe của họ hay không nên liên tục hỏi: “Này cậu nhỏ, làm vậy có sao không?”. Tôi cứ lẳng lặng tiếp tục công việc trong bầu không khí ngột ngạt như  thế.

Tới ngày thứ ba tôi lắp ráp hoàn tất máy móc lại như cũ. Khi khởi động thử động cơ xe thì động cơ xe cứu hỏa chạy rất tốt. Ông đội trưởng đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác: “Ôi, máy hoạt động rất tốt, nước phun ra rất tốt”. Còn tôi thì không còn gì vui sướng đắc ý hơn. Trong ánh mắt của những người coi thường tôi trước đây, giờ đổi ngay sang vẻ thán phục.

Chiều hôm đó khi trở về nhà trọ, phòng của tôi cạnh phòng cô hầu gái được đổi sang phòng hạng nhất có góc trang trí kiểu Nhật Tokonoma. Cho đến sáng nay, tôi vẫn chỉ được coi là chú tiểu, bỗng chốc giờ được đối xử như một vị thánh. Riêng tôi cảm thấy bối rối trước sự đãi ngộ thay đổi đột ngột như vậy. Tôi còn được mời uống rượu có cô hầu gái rót hầu vào chén. Đây là lần đầu tiên tôi uống rượu.

Trở về Tokyo, nghe tôi báo cáo sự việc này, ông chủ rất vui mừng. Qua việc này ông chủ ngày càng đánh giá cao kỹ thuật của tôi, nên tôi lại càng ra sức cống hiến hết sức của mình.

Bài 3: Hai lần thoát chết

Người dịch:  NGUYỄN TRÍ DŨNG

(*) Sách do Trung tâm Sách và xuất bản Báo SGGP kết hợp với trường Doanh thương Trí Dũng và NXB văn hóa Sài Gòn xuất bản.

Top


Bài 1: Đứa con người thợ rèn
Bài 2 : Từ chú tiểu thành vị thánh
Bài 3: Hai lần thoát chết
Bài 4: Giấc mơ mang tên “Dream”
Bài 5: Chinh phục những đường đua thế giới
Bài 6: Rút lui khi ở đỉnh cao quyền lực
Bài 7: Hành trình cảm tạ

More information:
  • Sài Gòn Giải Phóng Online