Năm 28
tuổi, tôi đóng cửa xưởng sửa chữa ô tô đang phát triển, thành lập Công ty cổ
phần cơ khí chính xác Tokai Seiki, bắt đầu chế tạo bạc piston. Lý do: Việc sửa
chữa cuối cùng vẫn chỉ là sửa chữa, dù có tài giỏi đến đâu cũng không có khách
hàng nào từ Tokyo và Mỹ đến để đặt hàng. Đây cũng có thể nói là bước đầu thay
đổi từ sửa chữa sang chế tạo.
Tiếp tục cắp cặp đến
trường
|
Ông Honda (x) tại thương
hội Ato, chi nhánh Hamatatsu năm 1935 |
Hàng ngày, cùng với giám đốc điều hành Miyamoto, chúng tôi miệt
mài nghiên cứu kỹ thuật đúc đến hai, ba giờ
khuya. Tóc tai dài thườn thượt, tôi phải gọi
vợ đến tận xưởng cắt tóc cho để không mất thời
gian, khi mệt thì uống ít rượu rồi nằm lăn ra
ngủ trên sàn bên cạnh bếp lửa. Tình cảnh đó
kéo dài trong nhiều tháng, có lẽ trong cả cuộc
đời tôi đây là giai đoạn gian khổ nhất, lấy
đêm làm ngày, kiệt tâm kiệt sức nhất.
Tiền dành dụm cũng gần cạn, đến đồ tư trang
của vợ cũng phải đem đi cầm. Dẫu vậy, tôi vẫn
cắn răng chịu đựng vì nghĩ rằng nếu bỏ giữa
chừng thì nhiều người sẽ chịu cảnh chết đói.
Mọi việc như bị dồn ép vào đường cùng.
Đến lúc việc thất bại đã rõ ràng tôi mới hiểu
nguyên nhân là do tôi còn thiếu những tri thức
cơ bản về ngành đúc. Tôi hiểu rằng mọi việc
sẽ phải làm lại từ đầu để có thể nhảy vọt một
bước dài hơn. Với suy nghĩ như vậy, tôi nhờ
giáo sư Adachi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng
Kỹ thuật Hamamatsu lúc bấy giờ cho phép tôi
học dự thính tại Trường Cao đẳng công nghệ Hamamatsu.
Trong giờ học hầu hết các học sinh khác thường
ghi chép tất cả lời nói của thầy, riêng tôi
trong đầu chỉ nung nấu đến việc nghiên cứu để
chế tạo thành công bạc piston và tìm ra nguyên
nhân thất bại, cho nên tôi chẳng quan tâm ghi
chép lời giảng. Những gì tôi học hỏi được trong
giai đoạn này rất hữu ích, nó là cơ sở khi tôi
phải suy nghĩ tìm hiểu một vấn đề gì hoặc cách
giải đáp được những băn khoăn về kỹ thuật nào
đó.
Ngày mà chúng tôi chế tạo thành công bạc piston
đúng theo tiêu chuẩn là ngày 20-11-1937 (Chiêu
Hòa 12). Chúng tôi nhận được đơn đặt hàng ba
vạn sản phẩm cho xe ôtô Toyota nhưng khi giao
năm mươi cái để kiểm tra chất lượng thì chỉ
có ba cái đạt tiêu chuẩn. Phải nói, đây là một
kinh nghiệm đau xót không thể nào quên.
Mất khoảng hai năm, cuối cùng sản phẩm của chúng
tôi mới đạt tiêu chuẩn giao hàng cho Toyota.
Với kết quả này, chúng tôi được Toyota đầu tư
vốn 40% để thành lập công ty với tổng số vốn
120 vạn yên, chính thức đưa vào sản xuất bạc
piston. Không chỉ chế tạo piston xe ô tô mà
chúng tôi còn chế tạo linh kiện cho máy bay
hay tàu hải quân. Đặc biệt, tôi đã tập trung
xây dựng thành công dây chuyền sản xuất tự động
sản xuất bạc piston. Từ kinh nghiệm này, khi
chiến tranh kết thúc đã tạo điều kiện cho tôi
sản xuất xe gắn máy ở quy mô lớn.
Từ xe đạp gắn động cơ đến Dream
Sau chiến tranh, sự nghiệp chế tạo
bạc piston của chúng tôi hoàn toàn chấm dứt.
Công ty Toyota đề nghị tôi chế tạo phụ tùng
cho Toyota nhưng tôi kiên quyết từ chối và bán
toàn bộ cổ phiếu của tôi cho Toyota. Trong chiến
tranh, phải cam phận làm dưới trướng đại gia
Toyota, nay chiến tranh chấm dứt tôi nhận ra
đây là dịp để có thể làm những việc tự lập,
phát huy cá tính riêng của mình.
Tiền nhận được từ việc bán cổ phiếu Công ty
cơ khí chính xác Tokai Seiki là 450.000 yên.
Số tiền này có thể làm vốn để đầu tư công việc
gì đó nhưng lúc đó tôi cũng khó lòng tính ngay
được. Trong thời loạn lạc cũng phải chấp nhận
thua thiệt, suy nghĩ như vậy nên tôi đã trải
qua một năm sống vui chơi, thổi sáo trúc qua
ngày để chờ xem tình hình thay đổi ra sao.
Thật ra tuy vui chơi nhưng trong tim tôi lúc
nào cũng âm thầm suy nghĩ, tìm bước đi tiếp.
Và cái mà tôi bắt tay đầu tiên chế tạo là máy
dệt. Tuy nhiên với sức tiêu xài chơi bời như
tôi nên việc chế tạo không đủ để bù đắp. Vì
thế, tôi phải bỏ việc chế tạo máy dệt và nghĩ
đến việc chế tạo xe gắn máy. Tôi ra sức thu
mua các loại động cơ nhỏ từ những máy thông
tin quân đội sử dụng trong chiến tranh với giá
rẻ rồi cho gắn vào xe đạp là có thể chạy rất
tốt. Cuối cùng, chiếc xe này được người sử dụng
rất ưa chuộng, bán chạy như tôm tươi. Động cơ
trong kho để lắp vào xe không đủ để đáp ứng
yêu cầu của khách.
Bản thân tôi vốn thích chế tạo máy móc nên trong
hoàn cảnh này nghĩ ngay là phải chế tạo động
cơ. Đó là động cơ xe gắn máy Honda hiện nay.
Về việc chế tạo xe gắn máy thì ngay chính những
người thân và bạn bè cũng có nhiều ý kiến và
đánh giá khác nhau, thậm chí có người phê phán:
“Vào thời đại xăng nhớt hiếm hoi như thế
này thì làm gì có người dùng xe gắn máy”.
Nhưng riêng tôi vẫn chủ trương bắt tay vào việc
chế tạo động cơ vì: “Chính trong thời đại thiếu
xăng như vậy cho nên xe gắn máy hoạt động ít
tốn xăng là nhu cầu bức thiết”. Tuy nhiên, xe
đạp gắn động cơ thì đương nhiên chạy chậm và
không chạy lâu bền được. Cho nên tôi quyết tâm
phải làm xe gắn máy có công suất mạnh với khung
sườn chắc chắn và chịu lực.
Tập trung trí tuệ và năng lực của toàn thể nhân
viên, chúng tôi chế tạo thành công xe gắn máy
mang tên Dream vào năm 1949. Tên “Dream” có
nghĩa là “Giấc mơ” của tôi đối với tốc độ. Chúng
tôi đã chúc mừng thành công này bằng rượu Nhật.
“Giấc mơ” của tôi đã trở thành hiện thực! .
Bài 5: Chinh phục những đường đua thế giới
Người dịch: NGUYỄN
TRÍ DŨNG
(*) Sách do Trung tâm Sách và xuất bản Báo SGGP kết hợp với trường Doanh thương Trí Dũng và NXB văn hóa Sài Gòn xuất bản.
Top
Bài 1: Đứa con người thợ rèn
Bài 2: Từ chú tiểu thành vị thánh
Bài
3: Hai lần thoát chết
Bài 4 : Giấc mơ mang tên “Dream”
Bài 5: Chinh phục những đường đua thế giới
Bài
6: Rút lui khi ở đỉnh cao quyền lực
Bài 7: Hành trình cảm tạ
|