Kết quả của cuộc
tranh luận về phương thức làm nguội động cơ bằng không khí hay bằng nước vào năm
1969 (cuối cùng ông Honda đã chấp nhận phương pháp làm nguội động cơ bằng nước
của các kỹ sư trẻ) là bước chuyển giao quyền điều hành công ty Honda cho thế hệ
trẻ. Mọi việc xảy ra như minh chứng, cho dù là một thiên tài thì cũng khó lòng
có thể liên tục là thiên tài suốt cả cuộc đời.
Chấm dứt cơ
cấu “hai người ba chân”
|
Khuôn mặt rạng rỡ của hai
ông Honda và Fujisawa Takeo tại cuộc thi “Ý tưởng toàn Công ty Honda” lần thứ
3 |
Vào tháng tư năm sau đó, chế độ điều hành công ty đã thay đổi
từ cơ cấu “hai người ba chân” với hai ông Honda (Tổng Giám đốc) và Fujisawa (Phó
Tổng Giám đốc) qua chế độ tập thể điều hành với bốn giám đốc chuyên trách. Từ
dịp đó, ông Fujisawa ít lui tới công ty. Khi thấy ông Fujisawa đến công ty, có
nghĩa là công ty đang có vấn đề gì đó rất đặc biệt.
Trong khi đó ông
Honda, đồng thời cũng là Giám đốc Công ty Nghiên cứu Honda Giken, hàng ngày vẫn
tự lái xe kiểu H1300 mà mình ưa thích nhất đến công ty ở phố Wako. Tuy thế hệ
những chuyên viên kỹ thuật ưu tú trẻ đã được đào tạo nhưng ông Honda đứng trên
đỉnh điều hành nên một ý kiến nhỏ của ông cũng gây áp lực rất lớn cho toàn hệ
thống. Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng nên bắt đầu chuyển giao vai trò lãnh đạo
cho thế hệ trẻ.
Nhưng ai sẽ là người nói ra tình huống này? Một ngày nọ,
Giám đốc hành chính Nishida Michihiro gõ cửa phòng ông Honda. Ông
Honda rủ ông Nishida cùng đi ăn cơm trưa. Trong lúc cùng ông Honda ăn và trao
đổi, ông Nishida cố tìm thời điểm thuận tiện đi vào đề tài chính: “ Chuyên viên
kỹ thuật của công ty đã thật sự trưởng thành, chắc ông cũng nghĩ đã đến lúc giao
lại cho họ trách nhiệm điều hành”. Ông Honda phản ứng ngay: “Cảm ơn cậu đã trao
đổi việc này với tôi” và tiếp tục: “Nếu cần tôi có thể rút lui ngay trong ngày
hôm nay cũng được”. Nói xong ông Honda rút khăn tay ra chậm nước mắt.
Sau
này, ông Nishida thật sự cảm kích khi hồi tưởng lại sự kiện này: “Bản thân ông
Honda là người chỉ biết chuyên tâm vào công việc và khi tập trung năng lực thì
thường không nhìn thấy hết những việc xung quanh. Thường ngày, ông ít quan tâm
đến vấn đề nhân sự vậy mà chỉ cần một lời nói là hiểu ngay được vấn đề, có thể
nói lúc đó ông còn có thái độ phấn khởi khi đón nhận việc này”.
Vào tháng
4-1971, nhân dịp công bố loại động cơ ít gây ô nhiễm CVCC, ông Honda đã chọn con
đường rút lui tốt đẹp trong danh dự và chuyển vai trò Giám đốc Công ty Nghiên
cứu Honda Giken cho ông Kawashima, chấm dứt vai trò của một nhà kỹ thuật. Từ sau
đó, ông Honda tập trung vào vị trí Tổng Giám đốc của mình ở công ty Honda. Có
thể nói công việc cải tổ tổ chức điều hành của công ty Honda coi như đã hoàn
thành.
Sau khi ông Honda chính thức từ nhiệm, không phải ông Nishida
không có những việc khổ tâm, nhất là khi nghe câu chuyện nửa đùa nửa thật của
ông Honda: “Phải mất một thời gian khá lâu tôi mới quen vì mỗi sáng khi ra khỏi
nhà là xe cứ chạy về hướng công ty của chúng ta, đến nửa đường tôi mới sực nhớ
mình không còn là giám đốc nữa nên phải quay trở lại”. Đối với ông Honda, “công
ty của chúng ta” có nghĩa là Công ty Nghiên cứu Honda Giken và nó là tất
cả.
“Sự đổi ngôi tuyệt vời”
Thời điểm rút lui tốt
nhất của một người lãnh đạo là khi họ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Vào tháng
3-1973, ông Fujisawa - Phó Tổng Giám đốc khẳng định với ông Nishida Michihiro –
lúc này đã là Giám đốc Điều hành: “Tôi chỉ còn phụ trách trong nhiệm kỳ này nữa
thôi và sau đó sẽ từ nhiệm, ông nhớ thông báo với Tổng Giám đốc Honda như thế”.
Lúc này, Công ty Honda chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thành lập.
Mùa hè năm ấy,
ông Honda đi thăm Trung Quốc. Trong lúc ông vắng mặt, báo chí đưa tin Tổng Giám
đốc Honda và Phó Tổng giám đốc Fujisawa đồng từ nhiệm. Ký giả tất cả các báo tập
trung ở phi trường Haneda khi ông Honda về nước để trực tiếp xác nhận nguồn tin
này. Đến đón ông Honda tại phi trường, ông Nishida đã thông báo việc ông
Fujisawa từ nhiệm. Tuy không được thông báo trước nhưng ông Honda tiếp nhận ngay
ý định của ông Fujisawa và sau một thoáng suy nghĩ đã bộc lộ với ông Nishida:
“Tôi chỉ là Tổng Giám đốc khi có sự tồn tại của ông Fujisawa, nếu ông Phó tổng
đã từ nhiệm thì tôi cũng từ nhiệm”.
Trong phòng họp báo với ký giả tại
phi trường Haneda, ông Honda đã mỉm cười phát biểu: “Từ lâu nay, tôi vẫn thường
trao đổi với ông Fujisawa, Phó Tổng Giám đốc, về việc từ nhiệm nhưng không ngờ
lại bật mí trong dịp công du này”.
Và ông tiếp tục nói
rất hăng say như tâm sự với chính mình: “Dù có tự cảm thấy mình còn trẻ đến đâu
thì thực tế tôi cũng đã 65 tuổi rồi, không thể kham nổi sự biến đổi kinh khủng
của môi trường kinh doanh ngày nay. Có thể nói đây là đỉnh cao của sự nghiệp
cuộc đời và là lúc chuẩn bị lực lượng kế thừa. Bản thân tôi cùng với ông Phó
tổng, hai người hợp lại mới là một tổng thể kinh doanh đúng nghĩa của nó, cho
nên không thể thiếu một trong hai, cũng có thể ví như mỗi người là nửa trái cầu,
hai người hợp lại mới thành một vật thể hoàn chỉnh cho nên cũng rất dễ hiểu khi
từ nhiệm thì nên phải là cả hai”.
Vào tháng 10, cả hai lãnh đạo đầu đàn,
ông Honda và ông Fujisawa, chính thức từ nhiệm tại đại hội cổ đông, chấm dứt thể
chế gắn kết chặt chẽ với nhau như “Hai người mà ba chân” qua một phần tư thế kỷ.
Khi ấy ông Honda 65 tuổi, ông Fujisawa 61 tuổi. Báo chí chạy hàng loạt những tít
rất lớn “Sự đổi ngôi tuyệt vời”, “Một sắp xếp tiến thoái cao quý”.
Bài 7: Hành trình cảm tạ
Người dịch: NGUYỄN
TRÍ DŨNG
(*) Sách do Trung
tâm Sách và xuất bản Báo SGGP kết hợp với trường Doanh thương Trí Dũng và NXB
văn hóa Sài Gòn xuất bản, hiện đang bán tại các cửa hàng của hệ thống Fahasa
trên toàn quốc
Top
Bài 1: Đứa con người thợ rèn
Bài 2: Từ chú tiểu thành vị thánh
Bài
3: Hai lần thoát chết
Bài 4: Giấc mơ mang tên “Dream”
Bài 5: Chinh phục những đường đua thế giới
Bài 6 : Rút lui khi ở đỉnh cao
quyền lực
Bài 7: Hành trình cảm tạ
|